Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 hôm 31/5 vẫn một mực nói rằng, tình hình Biển Đông vẫn ổn định.
"Tình hình ở Biển Đông nhìn chung vẫn hòa bình và ổn định. Và nó chưa bao giờ gây nên vấn đề nào đối với tự do hàng hải cả", Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu.
|
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc trong phiên họp toàn thể ở Đối thoại Shangri-La 14 hôm 31/5.
|
Vị đại diện Trung Quốc lấy chiêu bài cải thiện chức năng của các rạn san hô và đảo cũng như nâng cao điều kiện sinh sống của người dân ở Biển Đông làm lời giải thích cho hoạt động
bồi đắp phi pháp ở Biển Đông mà Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện.
"Trung Quốc tiến hành xây dựng (trái phép) trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông chủ yếu nhằm mục đích cải thiện chức năng của các kiến trúc liên quan và nâng cao điều kiện làm việc và sinh sống của người dân trên đó (?)", Đô đốc Tôn Kiến Quốc, một người am hiểu tường tận về luật biển quốc tế và chiến lược an ninh hàng hải lâu dài của Trung Quốc, biện bạch trước học giả, đại biểu các nước tham dự diễn đàn an ninh khu vực thường niên diễn ra từ ngày 29-31/5.
Đại diện Trung Quốc tiếp tục đưa ra viện cớ cho việc làm trái phép của họ ở Biển Đông: "Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, hoạt động bồi đắp (phi pháp) đó còn nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc về tìm kiếm cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai và cứu trợ cũng như nghiên cứu khoa học hàng hải, quan trắc khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải".
Chẳng những vậy, ông Tôn không ngượng miệng khi nói rằng: "Khi giải quyết cuộc tranh chấp với các nước liên quan, Trung Quốc luôn tính tới lợi ích an ninh hàng hải".
Phát biểu trên của người đứng đầu phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc ở Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động bồi đắp phi pháp. Bộ trưởng Carter còn nói rằng, Bắc Kinh đã "vượt ra khỏi" các quy phạm về luật pháp quốc tế thông qua các cách ứng xử của họ trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Thanh Nga (theo Strait Times)