Sáng 22/11, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 đã ký "Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước," theo đó chào mừng Cộng đồng ASEAN 2015 chính thức hình thành và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
|
Các lãnh đạo 10 nước khối ASEAN chụp ảnh lưu niệm trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 ở Kuala Lumpur.
|
Xin giới thiệu toàn văn tuyên bố:
CHÚNG TÔI, những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các Quốc gia Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi là ASEAN), gồm Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia;
NHẮC LẠI tinh thần của các Quốc gia Thành viên Sáng lập khi nhóm họp tại Bangkok năm 1967 để thành lập một tổ chức góp phần mang lại một khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do và thịnh vượng cho nhân dân các nước;
TÁI KHẲNG ĐỊNH cam kết của chúng tôi đối với các mục tiêu và nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên bố ASEAN (Bangkok, năm 1967), Tuyên bố Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (Kuala Lumpur, năm 1971), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (Bali, năm 1976), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali, năm 1976), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không Vũ khí Hạt nhân (Bangkok, năm 1995), Tầm nhìn ASEAN 2020 (Kuala Lumpur, năm 1997), Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (Bali, năm 2003) và Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong một Cộng đồng các Quốc gia Toàn cầu (Tuyên bố Hòa hợp Bali III, Bali, năm 2011);
ĐỒNG THỜI TÁI KHẲNG ĐỊNH các mục tiêu và nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN phản ánh mong muốn và ý chí chung được sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, tăng trưởng kinh tế bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung, cũng như thúc đẩy các lợi ích, lý tưởng và nguyện vọng của ASEAN;
NHẬN THẤY RẰNG môi trường địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng tiếp tục đặt ra cả các cơ hội và thách thức, đòi hỏi ASEAN cần ứng phó một cách chủ động, nhằm tiếp tục khẳng định vị thế và duy trì vị trí trung tâm và vai trò của ASEAN là động lực chủ đạo trong cấu trúc khu vực đang định hình;
NHẬN THỨC RÕ cam kết của chúng tôi trong Tuyên bố Banda Seri Begawan về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 về xác định phương hướng tương lai cho một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, dựa trên luật lệ, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm;
NHẤN MẠNH tầm quan trọng của việc triển khai Báo cáo và các Khuyến nghị của Nhóm Đặc trách Cấp cao về Tăng cường Ban Thư ký ASEAN và Rà soát các Cơ quan ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 ở Nay Pyi Taw;
NHẬN THẤY RẰNG các lợi ích đã đạt được từ quá trình triển khai Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009-2015) gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, cũng như Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn II và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN;
CHÀO MỪNG Cộng đồng ASEAN 2015 chính thức hình thành, gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN;
HOAN NGHÊNH nỗ lực của Nhóm Đặc trách Cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, Nhóm Đặc trách Cấp cao về Hội nhập Kinh tế và Nhóm Đặc trách Cấp cao về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN;
THEO ĐÓ:
THÔNG QUA Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, và Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2024;
NHẤT TRÍ rằng Tuyên bố này cùng với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, và Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2024 kèm theo, sẽ hợp thành văn kiện ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước;
QUYẾT ĐỊNH rằng "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước" sẽ thay thế "Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009-2015)";
ĐỒNG THỜI QUYẾT ĐỊNH rằng Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III và Kết nối ASEAN 2025 được thông qua trong năm 2016 sẽ là bộ phận cấu thành của ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước;
QUYẾT TÂM rằng các quốc gia thành viên ASEAN và tất cả các cơ quan ASEAN sẽ triển khai "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước" một cách hiệu quả và đúng hạn, theo các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN;
GIAO các bộ trưởng ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và tất cả các cơ quan khác trong ASEAN huy động nguồn lực từ các quốc gia thành viên và từ bên ngoài để triển khai ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước; và
CHỈ ĐẠO Tổng Thư ký ASEAN theo dõi và báo cáo thường niên tiến độ triển khai "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước" lên Hội nghị Cấp cao ASEAN, thông qua Hội đồng Điều phối ASEAN và các Hội đồng Cộng đồng tương ứng.
ĐƯỢC LÀM tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/11/2015, thành một bản gốc duy nhất, bằng ngôn ngữ tiếng Anh.
Brunei Darussalam:
Haji Hassanal Bolkiah
Quốc vương của Brunei Darussalam
Vương quốc Campuchia:
Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hunsen
Thủ tướng
Cộng hòa Indonesia:
Joko Widodo
Tổng thống
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào:
Thongsing Thammavon
Thủ tướng
Malaysia:
Dato’Sri Mohd Najib Tun Andul Razak
Thủ tướng
Cộng hòa Liên bang Myanmar:
Thein Sein
Tổng thống
Cộng hòa Philippines:
Benigno S. Aquino III
Tổng thống
Cộng hòa Singapore:
Lee Hsien Loong
Thủ tướng
Vương quốc Thái Lan:
Prayut Chan-o-cha (RET.)
Thủ tướng
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng.
Theo TTXVN/Vietnam+