Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết ngày 24/4 rằng các mảnh vỡ đã được tìm thấy dưới biển Bali, trong đó bao gồm các vật dụng từ bên trong tàu ngầm như bọt biển, chai lọ và đồ dùng để cầu nguyện, theo New York Times.
Người ta chưa tìm thấy thi thể các thủy thủ.
Sky News dẫn lời Tham mưu trưởng Yudo Margono vào ngày 24/4 cho biết máy quét đã xác định được vị trí chiếc tàu ngầm mất tích ở độ sâu khoảng 850 m dưới mực nước biển. Trong khi đó, con tàu chỉ được thiết kế để vận hành ở độ sâu tối đa 500 m. Biển Bali - nơi con tàu biến mất - có độ sâu tới 1.500 m.
Thời gian tàu ngầm KRI Nanggala 402 còn đủ dưỡng khí đã hết vào sáng ngày 24/4, và đến lúc đó lực lượng cứu hộ vẫn chưa đạt được tiến triển trong nỗ lực tìm kiếm con tàu mất tích với 53 thủy thủ, South China Morning Post đưa tin.
Bất chấp một số quan chức kêu gọi tiếp tục nuôi hy vọng vào điều thần kỳ, việc phát hiện một vết dầu loang ở nơi Nanggala 402 lặn xuống mặt nước cho thấy có khả năng khoang chứa nhiên liệu của tàu ngầm đã hư hỏng. Điều này đồng nghĩa thảm họa đã xảy ra với tàu ngầm.
|
Hy vọng tìm kiếm tàu ngầm mất tích của Indonesia đang ngày càng mong manh. Ảnh: Sputnik. |
"Vết dầu loang là dấu hiệu xấu. Nếu nó đến từ tàu ngầm, rất có thể mọi thứ đã chấm hết", Jean Louis Vichot, một cựu quan chức hải quân Pháp, nhận định.
Nhà chức trách Indonesia vẫn chưa giải thích lý do tàu ngầm đột ngột biến mất, cũng không trả lời câu hỏi con tàu có bị quá tải hay không.
Ít nhất 6 tàu chiến, một trực thăng cùng 400 binh sĩ đã được Indonesia triển khai tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích. Hai nước láng giềng là Singapore và Malaysia cũng đã gửi tàu tới khu vực biển Bali để hỗ trợ tìm kiếm.
Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết đã điều động một máy bay P-8 Poseidon tham gia nỗ lực tìm kiếm. Các nước Pháp, Đức và Australia cũng tuyên bố sẵn sàng trợ giúp.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất liên lạc không lâu sau khi lặn xuống mặt nước trong cuộc diễn tập bắn ngư lôi sáng 21/4.
Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết tàu ngầm Nanggala 402 có lượng choán nước 1.395 tấn, được chế tạo tại Đức năm 1977, gia nhập hạm đội tàu ngầm Indonesia từ năm 1981. Con tàu đã trải qua đợt đại tu kéo dài 2 năm ở Hàn Quốc, trước khi trở lại hoạt động năm 2012.
Theo Duy Anh - An Nguyễn/Zingnews.vn