Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mua vũ khí chỉ để bảo vệ Tổ quốc

Google News

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tiết lộ những đặc điểm nổi bật nhất trong chính sách quốc phòng Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Sau chiến tranh, không dễ để tất cả cùng nhìn về một hướng. Nhưng cho đến hôm nay, nhìn non sông liền một dải, nhìn chiến thắng 30/4 là chiến thắng chung của mọi người dân Việt Nam. Mỗi người dù xuất phát từ hoàn cảnh nào tự nhiên sẽ xích lại gần nhau hơn”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có cuộc trò chuyện về những đặc điểm nổi bật nhất trong chính sách quốc phòng Việt Nam.

Người Việt xích lại gần nhau hơn

- Thưa ông, chúng tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện từ cảm nghĩ của ông - một trong số thế hệ tướng lĩnh quân đội trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất - về sự kiện lịch sử 30/4/1975?


Mỗi người từ hoàn cảnh cụ thể của mình sẽ có cảm nghĩ riêng, tuy nhiên có một điểm chung: đây là chiến thắng của dân tộc Việt Nam và chúng ta tự hào vì đã vượt qua một cuộc chiến tranh gian khổ bằng sức mạnh của toàn dân tộc. Chiến thắng này đã kiến tạo nền hòa bình lâu dài, cũng là điều kiện hết sức quan trọng để phát triển đất nước.

Để đi đến ngày chiến thắng, chúng ta đã phải trả giá rất đắt, bao nhiêu người đã ngã xuống. Có lẽ ngay sau chiến thắng 30/4, ít người nghĩ rằng gần 40 năm sau và có lẽ còn xa hơn nữa, đất nước ta tiếp tục phải nỗ lực hết sức để khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại.

Trước hết là hậu quả về tâm lý, tình cảm. Ngoài ra, chiến tranh còn để lại nhiều hậu quả khác như vấn đề chất độc da cam, vấn đề bom mìn, vấn đề tìm kiếm liệt sĩ mất tích... Những công việc này không chỉ cần 30-40 năm mà chắc rằng lâu hơn nữa chúng ta còn phải tiếp tục.

- Nhắc đến hậu quả chiến tranh là để thấy rõ hơn giá trị của hòa bình?

Hòa bình là vô giá, đó là cuộc sống yên bình cho người dân, là cơm no áo ấm, là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tiếng cười trẻ thơ, là không còn những người mẹ mất con... Với những ý nghĩa giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng như vậy cũng đủ thấy rằng hòa bình là tất cả cuộc sống với chúng ta.

Từ chiến thắng 30/4, chúng ta tự hào, tự tin vào khả năng bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo rằng dân tộc Việt Nam sẽ đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng chúng ta phải hết lòng, hết sức giữ cho được nền hòa bình lâu dài của đất nước. Một nền hòa bình trên cơ sở độc lập tự chủ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, một nền hòa bình mà nhân dân ta tự quyết định vận mệnh của mình.

Mọi cuộc chiến tranh đều hướng đến hòa bình, nhưng đó là hòa bình trong lệ thuộc hay hòa bình trong độc lập, tự do? Chúng ta chọn hòa bình mà dân tộc Việt Nam được quyền hưởng, đó là hòa bình trong độc lập, tự do.

Mọi thứ có thể đánh đổi để có hòa bình, nhưng có một giá trị không thể đánh đổi là chủ quyền đất nước, là quyền được sống trong độc lập tự do. Hơn nữa, muốn nền hòa bình ấy bền vững thì phải có độc lập tự do, nếu chúng ta lệ thuộc thì nền hòa bình ấy không thể dài lâu, càng không thể đem lại hạnh phúc cho nhân dân mình.
 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

- Những khó khăn hôm nay có thể khiến ai đó nản lòng và đặt câu hỏi hoặc trăn trở liệu đất nước có thể phát triển đủ để tránh sự tụt hậu, đủ để giữ vững chủ quyền lãnh thổ?

Trong những ngày này, nhìn vào chiến thắng 30/4, nhìn vào tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng đất nước sẽ vượt qua mọi thử thách để đi lên. Chiến tranh lâu dài và gian khổ như vậy mà chúng ta còn vượt qua được.

Hiện nay, dẫu có khó khăn nhưng rõ ràng là thuận lợi nhiều hơn. Tôi không đồng tình khi có người cho rằng người dân và nhất là lớp trẻ giờ đây ít quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước. Hoàn toàn không phải như vậy. Vấn đề là chúng ta phải thông tin đầy đủ, khách quan về tình hình đất nước cho người dân, cả về những thuận lợi cũng như khó khăn để tạo sức mạnh đồng thuận.

Cơ chế thị trường tác động đến con người theo nhiều chiều khác nhau, tích cực và tiêu cực, một mặt chúng ta phải chấp nhận đặc điểm ấy của sự phát triển và hội nhập, mặt khác chúng ta phải công khai, minh bạch để người dân có định hướng đúng.

Khi có chiến tranh, lớn lên cầm súng ra chiến trường là cống hiến, là hi sinh cho đất nước. Nhưng ngày nay, chúng ta cần nói với lớp trẻ cống hiến là gì. Khi trò chuyện với con mình, tôi thường nói rằng với con người thì quan trọng nhất là lao động.

Vấn đề của những người đi trước là tạo điều kiện để lớp trẻ được lao động cống hiến đúng với khả năng, trình độ và lòng say mê của mình. Như vậy chắc chắn dân tộc ta là một dân tộc có phúc phận, những gì thế hệ cha anh đã làm được thì nhất định lớp trẻ sẽ giữ gìn và phát triển lên.

- Cho dù hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế lớn, nhưng ngay trong khu vực của chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định như tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, sức mạnh dân tộc sẽ được nhân lên nhiều lần nếu chúng ta thực tâm khoan dung và hòa hợp như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói?


Nhân dân ta có truyền thống nhân hậu, khoan dung. Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xóa bỏ mặc cảm, hận thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Như tôi đã nói, mỗi người dân Việt Nam dù xuất phát từ hoàn cảnh riêng nào đều có chung một điểm đến là lợi ích quốc gia dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc phải lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác biệt, nhưng không trái với lợi ích dân tộc. Tự mỗi người khi nhìn vào lợi ích quốc gia dân tộc sẽ thấy và sẽ làm cho những điểm tương đồng ngày càng nhiều hơn.

Có dịp trao đổi với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tôi vẫn thường nói rằng mong muốn lớn nhất của tôi là khi bà con trở về cảm thấy rằng đất nước tạo mọi điều kiện để họ đoàn tụ gia đình và làm ăn kinh tế. Chúng ta không một chiều kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho đất nước, trước hết đất nước phải dang rộng vòng tay với bà con mình đã.

Mua vũ khí chỉ để bảo vệ Tổ quốc
 Một cuộc diễn tập bảo vệ chủ quyền trên biển của quân đội Việt Nam.

- Thưa ông, khát vọng hòa bình được thể hiện rõ trong chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của ta. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn trong khu vực vừa qua vẫn có những ý kiến xung quanh việc Việt Nam mua máy bay, tàu ngầm... Ông nghĩ sao?


Một quốc gia mua sắm vũ khí trang bị để phòng vệ ở mức độ vừa phải là chuyện hoàn toàn bình thường, sự mua sắm ấy phù hợp với tiềm lực kinh tế của đất nước.

Việt Nam không là ngoại lệ. Nếu tiếp cận việc mua sắm vũ khí trang bị của ta theo góc độ quân sự, có hai đặc điểm cần chú ý: Thứ nhất là ta mua sắm với một tỉ lệ vừa phải, tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ hai, chúng ta mua sắm vũ khí trang bị chỉ vừa đủ để bảo vệ Tổ quốc mình. Chúng ta từng bước hiện đại hóa quân đội. Khi hiện đại hóa quân đội phát triển ở mức cao thì nó sẽ quay lại giúp phát triển kinh tế đất nước, ví dụ khoa học công nghệ quốc phòng phát triển thì có điều kiện chia sẻ nguồn lực cho các lĩnh vực khác.

- Theo các thông tin được công khai trên báo chí, mọi người nhận thấy Việt Nam đã thỏa thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự với sự trợ giúp phù hợp của Nga. Điều này chỉ đơn giản phản ánh Nga là nhà xuất khẩu vũ khí có uy tín hay còn điều gì khác, thưa ông?

Điều này phản ánh rằng do lịch sử để lại, chúng ta đã quen với vũ khí Liên Xô trước đây và hiện nay là Liên bang Nga. Lựa chọn loại vũ khí đã quen thuộc cùng một hệ thống bảo dưỡng kỹ thuật thì thuận lợi hơn rất nhiều so với trang bị vũ khí ở các hệ khác.

Ngày nay chuyện mua bán vũ khí trang bị là chuyện bình thường, công khai minh bạch không có gì giấu giếm. Chúng ta có thể mua của tất cả các nước và nhiều nước sẵn sàng bán cho ta.

Cũng phải nói rằng việc mua bán vũ khí trang bị dù thế nào đi chăng nữa cần có sự tin cậy giữa người mua và người bán. Giữa ta và Nga đã có quá khứ như vậy, hướng phát triển chiến lược của Nga hiện nay không có xung đột lợi ích đối với Việt Nam. Nga đang là đối tác chiến lược rất tin cậy với Việt Nam. Lòng tin ấy giúp chúng ta gửi gắm việc mua sắm vũ khí trang bị của Nga, ngược lại phía Nga khi bán cho ta thì cũng tin rằng không bao giờ chúng ta dùng những vũ khí trang bị ấy để làm điều gì đi ngược với lợi ích của họ.

Một lý do quan trọng nữa cần kể đến là hệ vũ khí của Nga mang tính chất phòng thủ là chủ yếu. Và nhìn chung vũ khí trang bị của Nga đều rất bền, đã được thử thách qua thời gian.

Một đất nước có nền kinh tế như Việt Nam thì cần “ăn chắc mặc bền”. Chúng ta không thể đổi vũ khí liên tục được, một lần mua về phải dùng nhiều chục năm vẫn tốt, điều này vũ khí trang bị của Nga đáp ứng được. Cuối cùng, đã nói mua bán thì phải nói về giá cả, chúng ta phải tìm một người bán với giá chấp nhận được.

“Ba không” của quốc phòng Việt Nam

- Giới quan sát nhận xét các hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam thời gian gần đây trở nên sôi động hơn nhiều. Trong quá trình đó, có nước nào đặt vấn đề mời Việt Nam tham gia các tổ chức liên minh quân sự hoặc đặt căn cứ quân sự tại nước ta không, thưa ông?


Cho đến bây giờ chưa có bất cứ quốc gia nào đặt vấn đề mong muốn Việt Nam tham gia liên minh quân sự hoặc bày tỏ mong muốn đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng nguyên nhân đầu tiên của sự im lặng đó là do chính chúng ta đã chủ động tuyên bố mạnh mẽ và rất nhất quán: Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại các nước khác; Việt Nam cũng không ngả theo nước này để chống nước kia.

Đó là “ba không” của quốc phòng Việt Nam. Khi đã tuyên bố như thế rồi, tôi tin dù ai có muốn đi nữa cũng không đặt vấn đề với chúng ta làm gì.

- Vậy quan điểm của Việt Nam về việc tham gia tập trận chung với các nước thì sao?

Không nên dùng từ “tập trận”, dùng từ “diễn tập” chính xác hơn. Trong hợp tác quốc phòng hiện nay có nhiều cái “tập” mà không có “trận”, ví dụ diễn tập chung chống khủng bố, diễn tập bảo vệ an ninh biển, diễn tập tìm kiếm cứu nạn...

Đó là những sự hợp tác mang tính chất nhân đạo, hòa bình và xây dựng, chúng ta sẵn sàng và từng tham gia, ví dụ như tuần tra chung trên biển với một số quốc gia láng giềng và trong khu vực.

Chúng ta không tham gia các cuộc diễn tập mang tính chất quân sự, mang tính chất tiến công hoặc đe dọa đến nước thứ ba. Nếu là những cuộc diễn tập phục vụ hòa bình, tự vệ thì ta tham gia.

- Việc đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng trong vài năm trở lại đây có phải chúng ta đang tìm kiếm những người bạn mới trong lĩnh vực này?

Mục đích của đối ngoại quốc phòng trước hết là để tham gia vào mặt trận đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Đặc trưng của đối ngoại quốc phòng là tạo tin cậy giữa các quốc gia với nhau. Các quốc gia có thể có rất nhiều lĩnh vực hợp tác, nhưng khi hợp tác về quốc phòng thì độ tin cậy tăng lên rất nhiều. Chính sự tin cậy ấy sẽ quay lại phục vụ hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Một đặc trưng nữa của đối ngoại quốc phòng nằm ở chỗ trực tiếp giải quyết những nguy cơ về quốc phòng và xung đột quân sự. Cho nên ta tham gia và mở rộng đối ngoại quốc phòng để ngăn chặn phòng ngừa từ xa.

Hoạt động đối ngoại quốc phòng cũng trực tiếp phục vụ mục tiêu hiện đại hóa quân đội, tiếp thu kiến thức mới để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chiến sĩ của ta.

Tuy nhiên, cần thấy rằng hoạt động đối ngoại quốc phòng phải trên cơ sở đất nước ổn định về chính trị, tự ta xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ để bảo vệ đất nước thì mới có cái để đem ra nói chuyện với các nước.

Hai nguyên tắc đàm phán COC


- Vừa qua, có thông tin quân đội Việt Nam sẽ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông có thể cho biết cụ thể hơn nội dung này?


Cho đến nay, quá trình chuẩn bị đã hoàn tất và nếu không có gì thay đổi, Việt Nam sẽ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ vào thời gian gần nhất. Mục đích của chúng ta khi tham gia là thực hiện chủ trương Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Về nguyên tắc tham gia thì có nhiều, nhưng có hai nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, hoạt động nào thật sự là giữ gìn hòa bình thì chúng ta tham gia theo yêu cầu của LHQ, không tham gia vào những khu vực không phải là xây dựng hòa bình.

Ví dụ các khu vực có chiến tranh thì không tham gia, khu vực còn xung đột thì không tham gia, chúng ta chỉ tham gia vào các hoạt động tái thiết sau xung đột hoặc khắc phục hậu quả chiến tranh.

Thứ hai, chúng ta tham gia ở đâu, mức độ nào, làm gì, bao giờ tham gia... là do chúng ta quyết định. Đây cũng là nguyên tắc do LHQ đặt ra.

Như vậy có nghĩa rằng không phải hôm nay chúng ta tuyên bố Việt Nam chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thì ngày mai sẽ gửi quân đi. Trong bước đi đầu tiên, chúng ta lựa chọn những hoạt động mang tính nhân đạo, có thể cử quan sát viên, tham gia trong lĩnh vực công binh, quân y...

- Thưa ông, trong cuộc họp gần đây nhất vào đầu tháng 4-2013 tại Bắc Kinh, ASEAN và Trung Quốc đã thấy rằng cần phải tích cực tham vấn quá trình chuẩn bị để có thể sớm khởi động đàm phán chính thức Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Ông nghĩ sao?

Đây là một tín hiệu tốt giữa ASEAN và Trung Quốc. Chúng ta hưởng ứng tích cực đối với động thái mới đó cũng như thái độ xây dựng của các bên liên quan.

Tất nhiên, vấn đề quan trọng ở chỗ COC sẽ tải được nội dung gì, các bên tham gia đàm phán COC có thực hiện đúng những gì mình nói hay không. Những người thật sự mong muốn có hòa bình, ổn định ở biển Đông chờ đợi nội dung COC sẽ có những điều khoản ràng buộc các bên tham gia phải thực hiện đúng những gì mình cam kết.

Nói như vậy để thấy trước mắt còn rất nhiều công việc phải làm. Cá nhân tôi nghĩ rằng có hai nguyên tắc quan trọng: một là luật pháp quốc tế, hai là bình đẳng giữa các quốc gia.

Trong khởi động đàm phán xây dựng COC, cần khẳng định và cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc DOC. Bên cạnh đó cần chỉ ra những tồn tại của DOC, những nước nói mà không làm, làm không đúng điều mình cam kết.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Tuổi trẻ