Dưới đây là một số thông tin thú vị về hộ chiếu giả:
1. Số hộ chiếu bị mất hoặc bị đánh cắp
Theo cơ sở dữ liệu Giấy tờ đi lại bị mất và thất lạc của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) có hơn 40 triệu hộ chiếu của 167 quốc gia được báo cáo bị mất và bị đánh cắp.
2. Cơ sở dữ liệu hộ chiếu giả
Cơ sở dữ liệu về hộ chiếu giả của Interpol được thành lập năm 2002 do Interpol và các nước thành viên quan ngại về mối liên hệ giữa các hoạt động khủng bố và việc sử dụng các giấy tờ đi lại bị mất và thất lạc.
Kẻ khủng bố Ramzi Yousef, người chế tạo bom trong vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 giết chết 6 người đã nhập cảnh vào Mỹ bằng một hộ chiếu ăn cắp của Iraq.
Milorad Ulemek, kẻ ám sát Thủ tướng Serbia Zoran Dindic và cựu Tổng thống Serbia Ivan Stambolic vào năm 2003 dùng một hộ chiếu giả đi qua biên giới 27 nước trước khi bị bắt.
|
Một số hộ chiếu của một số quốc gia.
|
3. Truy cập Cơ sở dữ liệu hộ chiếu giả
Tổng thư ký Interpol Ronald Noble cho biết, tất cả 190 quốc gia thành viên của Interpol có thể truy cập cơ sở dữ liệu của Giấy tờ đi lại bị mất và thất lạc nhằm đảo bảo những người sở hữu hộ chiếu giả không thể lên các chuyến bay quốc tế. Mỹ là nước truy cập thường xuyên nhất với 250 triệu lượt kiểm tra hàng năm. Vương quốc Anh đứng thứ 2 với 120 triệu lượt và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với 50 triệu lượt. Dù vậy, hơn 1 tỷ lần hành khách lên máy bay năm ngoái không bị kiểm tra cơ sở dữ liệu.
4. Thái Lan là cái lò hộ chiếu giả
Do ngành du lịch bùng nổ, Thái Lan trở thành trung tâm làm giả hộ chiếu, thu hút một lượng lớn khách du lịch từ châu Âu, Mỹ và Australia.
Theo một báo cáo năm 2012, Cục Điều tra đặc biệt tạo ra Trung tâm các hoạt động tình báo tội phạm xuyên quốc gia để tập trung triệt phá các băng nhóm chuyên làm giả và ăn cắp giấy tờ du lịch. Người đứng đầu trung tâm này, ông Tinawut Slilapa ước tính có khoảng 20 băng nhóm nước ngoài chuyên làm giả và gian lận hộ chiếu. Reuters cho biết, theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, có hơn 60.000 hộ chiếu, cả Thái Lan và nước ngoài bị báo cáo thất lạc hoặc bị đánh cắp tại Thái Lan từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2013.
5. Giá hộ chiếu giả
Theo ông Tinawut, một hộ chiếu tốt – nghĩa là còn thời hạn từ 3 đến 5 năm – sẽ có thể bán với giá từ 1.500 đến 3.000 USD. Tất nhiên, sẽ có thể phát sinh thêm các chi phi khác như chỉnh sửa, thay đổi ảnh chân dung hoặc thêm tem và con dấu thị thực.
6. Các loại tội phạm sử dụng hộ chiếu giả
Những kẻ khủng bố không phải là nhóm đối tượng duy nhất sử dụng hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu ăn cắp. Các nhóm tội phạm có tổ chức, những kẻ buôn lậu ma túy và buôn người cũng sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh vào một quốc gia khác.
Tháng 9/2013, các nhà chức trách Malaysia bắt giữ Seyed Ramin Miraziz Paknejad, 45 tuổi - kẻ chuyên cung cấp giấy tờ giả cho những tên khủng bố. Y từng bị bắt ở Thái Lan tháng 6/2012 nhưng bỏ trốn thành công. Seyed Ramin Miraziz Paknejad thậm chí bị nghi cung cấp hơn 3.000 giấy tờ giả cho hàng nghìn người ở các quốc gia khác nhau từ Trung Đông, châu Âu, Australia tới Canada.
Bạch Dương (tổng hợp)