Nếu thông tin của AP là thật và một thỏa thuận được đưa ra thì đây sẽ là lần đầu tiên các công ty của Philippines và Trung Quốc cùng làm ăn trong vùng biển tranh chấp.
Bắc Kinh lâu nay đề xuất "gạt tranh chấp cùng khai thác" với các nước láng giềng tại Biển Đông, nhưng đi kèm điều kiện các bên phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Philippines đã cho tập đoàn liên doanh Forum Energy Plc quyền thăm dò khai thác khí ở Bãi Cỏ Rong từ 2010, thế nhưng quá trình khoan dò bị ngưng trệ hồi năm ngoái vì hiện diện của tàu Trung Quốc ở hiện trường.
Mới chỉ là bước đầu
Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jericho Petilla được AP dẫn lời nói: Thảo luận giữa liên doanh Forum Energy plc và tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) để thăm dò khai thác gần Bãi Cỏ Rong hiện mới ở giai đoạn sơ khởi.
Tuy nhiên ông Petilla bày tỏ hy vọng rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại trong thời gian tới.
Forum Energy có chủ sở hữu chính là tập đoàn Philex Petroleum của Philippines.
Trong khi đó Tổng thống Benigno Aquino III nói với các phóng viên nước ngoài rằng các hợp đồng làm ăn ở Biển Đông sẽ phải tuân thủ luật pháp Philippines.
Chính phủ của ông Aquino đang kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế về yêu sách đối với phần lớn Biển Đông, thường được gọi là "đường lưỡi bò".
Tuy nhiên, với việc đàm phán giữa hai công ty dầu khí, dường như Philippines đang dần ngả theo chính sách cùng khai thác với Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu năng lượng lên cao.
Tổng thống Benigno Aquino III cũng cho hay, ông đã có cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị thượng đỉnh Asean ở Brunei hai tuần trước đây.
Ông Aquino nói: "Chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình, nhưng ít nhất chúng tôi cũng đã nói chuyện với nhau".
"Rút lại cáo buộc"
Philippines đã rút lại cáo buộc Trung Quốc chuẩn bị xây dựng trên bãi cạn Scarborough, trong sự việc gây mất mặt cho Manila.
Tổng thống Benigno Aquino nói đã sai khi trước đây cáo buộc tàu Trung Quốc mang nhiều khối bê tông lên bãi cạn tranh chấp, nơi Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.
Ông cho biết chúng đã có từ rất lâu và không phải là “hiện tượng mới”.
“Không có vẻ chúng đem lại lý do để thêm lo lắng,” ông Aquino nói.
Hồi tháng 9, Bắc Kinh phản ứng giận dữ sau khi Voltaire Gazmin, Bộ trưởng quốc phòng Philippines, tuyên bố tàu Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn và các tấm bê tông “có thể là sự chuẩn bị cho công tác xây dựng”.
Ian Storey, một chuyên gia về tranh chấp Biển Đông làm việc ở Singapore, cho rằng bình luận của Tổng thống Aquino chỉ là động thái mới nhất trong một loạt lần chữa thẹn gần đây của Manila.
Ông nói năm 2011, Philippines cáo buộc Trung Quốc tháo dỡ vật liệu xây dựng ở khu vực lân cận Iroquois (Amy Douglas) Bank, cách đảo Palawan 125 hải lý, nhưng không đưa ra được bằng chứng.
“Nó không giúp gì cho uy tín của họ,” ông nhận xét.
Rommel Banlaoi, cựu giáo sư ở đại học quốc phòng Philippines, nói sự việc là bài học cho Manila.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Aquino đã hủy chuyến thăm một hội chợ ở tỉnh Quảng Tây, sau khi nói Bắc Kinh rút lại lời mời.
B.T (theo BBC News)