|
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop chụp ảnh trước cuộc họp 3 bên bên lề Diễn đàn APEC hôm 4/10.
|
Tại Diễn đàn APEC ở Indonesia hôm qua, sau khi lên tiếng tố cáo láng giềng Trung Quốc, ông Fumio Kishida tiếp tục tuyên bố: “Việc đảm bảo các hoạt động vận chuyển hàng hóa hoặc người không bị cản trở là một nhiệm vụ rất quan trọng để. Các nước thành viên APEC được kết nối với nhau thông qua các tuyến đường biển. Do đó, sẽ có lợi cho tất cả chúng ta để giữ gìn và đảm bảo tự do hàng hải.
“Đề ra các nguyên tắc pháp luật là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực”, ông Kishida tuyên bố thêm trong cuộc họp với sự có mặt của Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Li Baodong.
Những lời cáo buộc của Ngoại trưởng Nhật Bản được đưa ra sau khi ông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đồng loạt lên tiếng trong cuộc họp 3 bên bên lề hội nghị APEC, bày tỏ quan ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển hôm 4/10.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp, cả 3 bên nhấn mạnh, họ “phản đối mọi hành động ép buộc hoặc đơn phương hòng thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông”. Tuyên bố này không "chỉ mặt đặt tên" nhưng rõ ràng ám chỉ đến Trung Quốc.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của các nỗ lực giảm căng thẳng và tránh những tính toán sai lầm và sự cố ở Biển Hoa Đông, bao gồm việc cải thiện thông tin liên lạc hàng hải”.
Căng thẳng lãnh thổ hàng hải Trung-Nhật leo thang đỉnh điểm kể từ khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông – nơi Trung Quốc, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, ở Biển Đông, Trung Quốc cũng lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ với một loạt các nước Đông Nam Á.
Nhắc đến vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung 3 bên sau cuộc họp của Ngoại trưởng Nhật Bản và các đồng nhiệm Mỹ, Australia kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế các hành động có thể làm căng thẳng leo thang, tuyên bố và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Bạch Dương (Theo Japantimes)