Nguy cơ xung đột Trung-Mỹ cao nhất trong 20 năm qua

Google News

(Kiến Thức) - Một chuyên gia Châu Á từng giảng dạy tại Đại học Yale cảnh báo nguy cơ xung đột Trung-Mỹ hiện cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua.

Trong nhiều tuần qua, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hoạt động lấp biển, xây đảo của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc đã “đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng hành động lấp biển”.
Không những thế, Hải quân Trung Quốc còn "thách thức" máy bay trinh sát Mỹ P8-A Poseidon và nhiều lần yêu cầu máy bay này “rời đi” khi tiến gần các “đảo nhân tạo” mà Bắc Kinh đã bồi đắp và đang xây dựng các công trình trên đó.
Nguy co xung dot Trung-My cao nhat trong 20 nam qua
Giáo sư Michael Auslin là một chuyên gia về Châu Á và  từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale.
Trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, nêu ra ba tình huống có thể dẫn tới xung đột Trung-Mỹ.
Tình huống thứ nhất, là một vụ đâm va máy bay trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm với máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.
Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét việc điều tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong Biển Đông và như thế tiến vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu Trung Quốc đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn va chạm tàu, kéo theo phản ứng của cả hai bên.
Ông Auslin nói đó là điều mà Trung Quốc đã làm với tàu bè của các nước khác và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau.
Giáo sư Auslin nói tình huống này rất dễ xảy ra, một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây các đường băng sân bay trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.
Tình huống thứ hai là Trung Quốc có thể cố tình tạo ra một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo bám sát máy bay Mỹ, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc chính quyền của Tổng thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Mỹ  còn đang bận ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và Châu Âu.
Tình huống thứ ba là Trung Quốc chặn đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines. Washington lúc đó có thể can thiệp, viện lẽ Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế.
Giáo sư Auslin nhận định rằng trong khi không có một cơ chế nào để giải toả căng thẳng và khả năng quân sự của Trung Quốc đang được tăng cường, thì càng ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với Mỹ trong việc đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Minh Châu (TH)