Mỹ tóm được con cá voi lớn trong vụ bắt giữ "công chúa Huawei"

Google News

Việc giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Huawei bị bắt giữ được coi là diễn biến mới trong cuộc cạnh tranh giành vị trí siêu cường công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Viết cho The Hill, giáo sư Arthur Dong của trường kinh doanh McDonough thuộc đại học Georgetown ở Washington, bình luận phía Mỹ đã "tóm được con cá voi" với việc bắt giữ bà Mạnh. Cha bà Mạnh, ông Nhậm Chính Phi, không chỉ là người sáng lập tập đoàn Huawei, mà còn là đại biểu Nhân đại (quốc hội) và là nhân vật thân cận của ông Tập Cận Bình.
Là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei chính là trung tâm trong tham vọng giảm phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài của chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đổ hàng trăm tỷ USD vào kế hoạch "Made in China 2025" qua đó mong muốn đưa Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới trong các ngành công nghệ mới như sản xuất robot, xe hơi chạy điện và chip máy tính. Sự ra đời của công nghệ 5G với sự góp mặt của Huawei là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.
Trong khi đó Washington từ lâu đã cho thấy quan điểm rõ ràng về việc hạn chế sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc để bảo toàn sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này.
My tom duoc con ca voi lon trong vu bat giu
Huawei đang kỳ vọng sẽ trở thành người dẫn đầu trong công nghệ 5G, nhưng trong số 92 nhà cung cấp chính của tập đoàn này, có tới 33 công ty đến từ Mỹ và chỉ cần một lệnh cấm cung cấp linh kiện từ chính phủ Mỹ, tham vọng của Huawei sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Ảnh: Reuters. 
Dẫn đầu thế giới
Giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington, ông James Andrew Lewis, nhận định: "Trong thế kỷ 20, thép, than, xe hơi, máy bay, tàu biển và khả năng sản xuất hàng hóa với số lượng lớn trở thành cội nguồn sức mạnh của một quốc gia. Nhưng đến giờ mọi thứ đã thay đổi. Khả năng tạo ra và sử dụng công nghệ mới sẽ quyết định sức mạnh kinh tế và an ninh quân sự".
Đối với một số quan chức trong chính phủ Trung Quốc, đây có thể là lý do giải thích vì sao bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ. Nhật báo nhà nước China Daily trong một thông báo của ban biên tập vào ngày 6/12 đã nhận định: "Mỹ đang làm mọi cách có thể để ngăn cản sự mở rộng của Huawei đơn giản vì đây là công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc".
Sự kiện này có thể leo thang thành cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực công nghệ khi sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở lĩnh vực này đã manh nha từ lâu.
Trung Quốc từ lâu bị Mỹ cáo buộc sử dụng các biện pháp cạnh tranh không công bằng để sở hữu các bí mật công nghệ và sử dụng chúng với mục đích đe dọa an ninh Mỹ.
Tổng thống Trump quyết định sẽ giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp bằng việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng hối thúc chính phủ Trung Quốc từ bỏ việc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ khi thâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới.
Ở phần mình, chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty nước này không cung cấp linh kiện cho các đối tác Trung Quốc, giống như trường hợp của ZTE vào hồi tháng 4 năm nay. Cùng với đó là một loạt các vụ bắt giữ công dân Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp công nghệ trong lĩnh vực hàng không.
My tom duoc con ca voi lon trong vu bat giu
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ đã thể hiện các hành động cứng rắn hơn để ngăn cản Trung Quốc sở hữu công nghệ tiên tiến của các tập đoàn nước ngoài. Ảnh: AFP 
Ảnh hưởng đàm phán thương mại Mỹ - Trung?
Vụ bắt giữ bà Mạnh diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, qua đó thống nhất không leo thang căng thẳng thương mại, ít nhất là trong vòng 90 ngày tới.
Thông tin về vụ bắt giữ đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính thế giới, thị trường tin rằng vụ việc là mối đe dọa nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việc một công dân nước ngoài là lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn quốc tế bị bắt tại Mỹ là điều rất hiếm khi xảy ra, vì thường thì cơ chế luật pháp với các tập đoàn ở quốc gia này cho phép các cá nhân chỉ phải chịu "trách nhiệm hữu hạn" trước các sai phạm của cả tập đoàn và pháp nhân bị trừng phạt thường là cả một tập đoàn.
Tuy nhiên trong cáo trạng đã được đưa ra, tên của bà Mạnh được nêu đích danh. Điều này cho thấy phía Mỹ đã có bằng chứng chứng minh cá nhân bà Mạnh là người vi phạm pháp luật và rất có thể vị lãnh đạo này sẽ phải đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng. Đội ngũ luật sư cho bà Mạnh trong trường hợp này sẽ phải là những người giỏi nhất.
Mặc dù Bắc Kinh ngay lập tức bày tỏ sự phản đối và kêu gọi thả tự do cho bà Mạnh, những gì diễn ra ở Trung Quốc mới là dấu hiệu quyết định vụ việc có ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung hay không.
Vụ bắt giữ này hoàn toàn có thể khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và nếu truyền thông nhà nước Trung Quốc quyết định đưa vụ việc này lên, sẽ có tâm lý chống Mỹ gia tăng trong xã hội nước này.
Nhưng nếu câu chuyện không trở nên nổi bật thì điều đó chứng tỏ Bắc Kinh coi đây là vấn đề riêng biệt và họ ưu tiên một kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tương lai.
Theo Sơn Trần/ Zing