Khoảng 8.000 binh sĩ Mỹ và Philippines sẽ tham gia vào cuộc tập trận chung Balikatan kéo dài từ ngày 4/4 đến 15/4. Ngoài ra, binh sĩ Australia cũng sẽ tham gia vào cuộc tập trận thường niên này trong khi nhiều nước khác cử quan sát viên.
|
Cuộc tập trận Balikatan năm 2013.
|
Nhiều hoạt động diễn ra trong cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) năm nay, trong đó có tình huống giả định hỗ trợ các sự kiện, dự án hỗ trợ dân sự nhân đạo. Ngoài ra, tình huống giả định giành lại một hòn đảo bị chiếm đóng ở Biển Đông, một cuộc đổ bộ và hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh,... dự kiến cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận.
Về phía Philippines, các quan chức cho hay cuộc tập trận Balikatan sẽ bao gồm 5 Bộ Tư lệnh, bao gồm Bộ Tư lệnh miền tây ở Palawan, Bộ Tư lệnh Bắc Luzon ở Tarlac, Bộ Tư lệnh Trung ương tại Cebu và Panay, Bộ Tư lệnh Nam Luzon ở Lucena, và Binh đoàn chiến dịch liên quân ở Manila. Ngoài ra, Philippines cũng sẽ điều những trang thiết bị quân sự quan trọng, trong đó có chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 từ Hàn Quốc, tham gia cuộc tập trận thường niên này.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter là người trực tiếp thị sát cuộc tập trận Balikatan ở Philippines.
"Bộ trưởng Carter sẽ tới thị sát vào cuối các buổi tập trận và theo dõi một số bài tập, trong đó có “màn trình diễn” của các đơn vị Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) cùng các tàu của Hải quân Mỹ", Trung tướng John Toolan, chỉ huy các lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết.
Theo tờ Diplomat, Bộ trưởng Carter cũng sẽ tới thăm Bộ Tư lệnh miền Tây ở Palawan.
Thiếu tướng Rodolfo Santiago cho hay, cuộc tập trận “Vai kề vai” tuân theo “kịch bản chung” và không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào, bất chấp thái độ gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, khi cuộc tập trận “Vai kề vai” của Mỹ-Philippines bắt đầu, một bài xã luận trên Tân Hoa xã cảnh báo Manila chớ lôi kéo “người ngoài” vào “tranh chấp khu vực”.
Video Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung chống tàu ngầm (Nguồn TTXVN):
Thiên An (Theo Diplomat)