Từ tháng 1, Trung Quốc yêu cầu các tàu đánh cá nước ngoài phải được họ chấp thuận mới được tiếp cận vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông (khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ một cách vô lý mọi tuyên bố chủ quyền của các láng giềng bao gồm Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Việt Nam).
Phát biểu về động thái mới này của Trung Quốc, Jen Psaki, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua tuyên bố, Bắc Kinh đã không đưa ra được bất cứ lý lẽ nào dựa trên luật pháp quốc tế để biện minh cho quy định mới mà họ vừa ban hành.
“Lập trường lâu nay của chung tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng, tất cả các bên liên quan cần tránh mọi hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng và làm suy yếu triển vọng về một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Việc ban hành quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của các nước trong các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và nham hiểm”, bà Jen Psaki tuyên bố.
|
Mỹ phản đối Trung Quốc buộc các tàu cá nước ngoài phải báo cáo với nước này trước khi vào đánh bắt ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
|
Về phần mình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đưa ra tuyên bố bào chữa cho rằng, việc ban hành quy định về việc khai thác các nguồn tài nguyên biển là một thông lệ bình thường.
Trước đó, Mỹ đã kịch liệt phản đối và lên án động thái đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông bao gồm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Điếu Ngư/Senkaku của Trung Quốc cuối năm ngoái.
Cụ thể, Mỹ nhanh chóng điều máy bay ném bom chiến lược B-52 vào ADIZ của Trung Quốc. Lập tức, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nối gót đồng minh khu vực, triển khai máy bay quân sự tới ADIZ của Trung Quốc để thể hiện sự phản đối của họ, đẩy căng thẳng khu vực châu Á-Thái Bình Dương leo thang.
Ngoài ra, về quy định đánh bắt cá mới của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cũng cho biết, Manila đã yêu cầu Đại sứ quán của nước này tại Bắc Kinh tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này. Trung Quốc và Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ gay gắt trên Biển Đông.
Bạch Dương (theo Aljazeera)