Mỹ, Nga, EU đồng ý "hạ sốt" khủng hoảng Ukraine

Google News

(Kiến Thức) - Đàm phán 4 bên về vấn đề Ukraine đồng ý trong việc thực hiện các bước để giảm căng thẳng bao gồm giải tán các nhóm vũ trang bất hợp pháp.

Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh Châu Âu kêu gọi các bên ngừng ngay các hành động bạo lực tại Ukraine sau cuộc đàm phán bốn bên diễn ra tại Geneva ngày 17/4.
Kết thúc đàm phán, các bên đều đồng ý với việc có những hành động cụ thể nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine. Theo đó, “các bên phải ngừng ngay các hành động bạo lực hoặc hành động khiêu khích”.
Ngoài ra, các bên cũng đồng ý với việc tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp vũ khí cũng như toàn bộ các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả lại cho những người sở hữu hợp pháp.
Tất cả các đường phố, quảng trường và các địa điểm công cộng bị chiếm đóng trái phép ở các thành phố và thị trấn Ukraine cũng phải được giải phóng mà không có ngoại lệ nào.
 Đàm phán bốn bên ở Geneva.
Hội nghị đàm phán bốn bên ở Geneva cũng hứa hẹn, tất cả những người tham gia biểu tình chống chính phủ ở Ukraine sẽ được ân xá.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho biết, các bên kêu gọi đối thoại quốc gia ở Ukraine. “Cuộc đối thoại này phải có sự tham gia rộng rãi của nhân dân Ukraine cũng như diễn ra một cách minh bạch và có trách nhiệm”, ông Sergey Lavrov cho biết thêm.
Nga cũng yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ phải đi đầu trong việc giám sát tình hình ở Ukraine cũng như hỗ trợ người dân Ukraine và chính phủ Kiev trong việc đưa ra những giải pháp làm giảm căng thẳng ở Ukraine. Nga cũng sẽ hỗ trợ nhiệm vụ của OSCE bằng việc thúc đẩy đối thoại giữa các bên, ông Lavrov cho biết.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, cuộc đàm phán đạt được nhiều thành quả hơn so với mong đợi của nhiều người.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh: “Đây chưa phải là một bước đột phá cho đến khi nó được triển khai và chúng tôi cần thấy Nga có cách hành động cụ thể”.
Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng cũng cho biết: “Chúng tôi đã có sẵn những hệ quả tiếp theo mà chúng tôi có thể áp đặt lên người Nga nếu chúng tôi không thấy những bước cải thiện đáng kể của tình hình”.
Ngô Trang