Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu rằng những cáo buộc Mỹ liên quan đến vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO này.
|
Những người ủng hộ Chính phủ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần hành tại quảng trường Kizilay ở Ankara. |
Ngày 16/7, trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: "Ông Kerry đã khẳng định rõ rằng Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra, nhưng những lời nói bóng gió hay cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành là hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương giữa hai nước".
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry và ông Cavosoglu cũng thảo luận về sự cần thiết phải tập trung vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong diễn biến liên quan, phát biểu trên kênh ARD của Đức tối 16/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen bày tỏ hoài nghi về kế hoạch miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu (EU).
Theo chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) nêu trên, việc Thổ Nhĩ Kỳ cách chức rất nhiều thẩm phán sau âm mưu đảo chính bất thành ở Ankara là sự vi phạm nhân quyền và xâm phạm những quy định của nhà nước pháp quyền, một "ranh giới đỏ" để đàm phán thành công với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc miễn thị thực cho công dân nước này vào châu Âu.
Ông Röttgen khẳng định người châu Âu không được phép trở thành "đồng lõa với những tham vọng quyền lực một cách độc đoán của ông Erdogan".
Ông cũng cho biết đang chờ đợi phản ứng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với sự phát triển có thể theo hướng độc đoán hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, tình trạng nhà nước pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải được đề cập trong khuôn khổ của NATO mà Ankara là một thành viên.
>>> Xem thêm video về vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn video The Guardian):
Theo Báo Tin Tức