Đó là nhận định của học giả Thitinan Pongsudhirak - giảng dạy môn kinh tế chính trị quốc tế và lãnh đạo Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok – trong bài viết đăng trên trang mạng Nikkei Asia Review của Nhật Bản ngày 10/5/2017.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng. Ảnh: Breitbart |
Theo học giả người Thái Lan Thitinan Pongsudhirak, dưới thời Tổng thống Donald Trump, những lo lắng về địa chính trị của Mỹ vẫn không thay đổi. Nước Mỹ vẫn bận tâm với chiến sự ở Trung Đông, cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo…và các điểm nóng trên thế giới.
Chỉ có điều, chính quyền Donald Trump dường như không quá coi trọng các giá trị nhân quyền và dân chủ như dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng Một năm ngoái, ông Trump tuyên bố rằng "chúng tôi không tìm cách áp đặt lối sống của chúng tôi đối với bất cứ ai".
Chính sách “xoay trục ở Châu Á” của chính quyền Donald Trump tập trung vào sự chuyển hướng tới từ ưu tiên những giá trị sang ưu tiên những lợi ích. Tuy chính quyền của ông Trump không bỏ rơi hoàn toàn vấn đề nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác vì lợi ích của Mỹ ở Châu Á, nhưng trật tự ưu tiên và các sắc thái chính sách sẽ đi theo một hướng khác.
Cách ứng xử của chính quyền Donald Trump đối với Philippines và Thái Lan cho thấy quan hệ của Mỹ với các nước Đông Nam Á và ASEAN như thế nào trong tương lai. Các cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Thái Lan Prayuth, Tổng thống Philippines R. Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được thiết kế để tập hợp các đồng minh và đối tác của Mỹ trong ASEAN, khi Washington tiếp tục cô lập CHDCND Triều Tiên và cân nhắc các lựa chọn để đối phó chương trình hạt nhân-tên lửa của Bình Nhưỡng. Tổng thống Donald Trump cũng liên lạc thường xuyên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà đỉnh điểm là cuộc gặp trực tiếp tại Florida hồi tháng Tư vừa qua.
Với những động thái trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump báo hiệu việc theo đuổi một chính sách Châu Á đặt lợi ích lên trên các giá trị truyền thống.
ASEAN bắt đầu hiện diện lớn hơn trong con mắt của các quan chức Mỹ. Cả Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đều kêu gọi sự hợp tác ASEAN trong sách làm suy yếu kinh tế Triều Tiên, gây sức ép để “lật đổ từ bên trong” hoặc buộc Bình Nhưỡng thay đổi chính sách về phát triển tên lửa-hạt nhân. Gần đây, Phó Tổng thống Pence cũng cam kết với ASEAN rằng ông Trump sẽ thăm khu vực này để tham dự các hội nghị cấp cao do ASEAN chủ trì vào tháng 11 tới.
Tầm quan trọng của ASEAN có thể sẽ tăng lên đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền này đang tìm kiếm một sự cân bằng khu vực mới nhằm đối phó với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hiện vẫn có rất nhiều đất trống để nước Mỹ dưới Tổng thống Donald Trump giúp các quốc gia trong khu vực tái cân bằng trọng lượng tập thể trước Trung Quốc. Các nước ASEAN cũng hoan nghênh mối quan hệ hợp tác giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, nhưng không muốn chứng kiến một thỏa thuận sâu rộng Mỹ-Trung làm suy giảm đi quyền lợi của họ trong việc duy trì quyền tự trị khu vực và toàn vẹn lãnh thổ.
Học giả người Thitinan Pongsudhirak kết luận: Chính sách “xoay trục ở Châu Á” của chính quyền Donald Trump - từ việc thay đổi sự cân bằng giữa các giá trị và lợi ích đến tái khẳng định vai trò của ASEAN trong các tính toán địa chiến lược của Washington – biết đâu lại chẳng trùng hợp với sự tái cân bằng mà Đông Nam Á đang tìm kiếm.
Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review)