Mạng lưới điệp báo toàn cầu của Triều Tiên

Google News

CHDCND Triều Tiên bị cho là đang tiến hành nhiều hoạt động bí mật với quy mô quốc tế, phục vụ cho chương trình hạt nhân-vũ khí của nước này.


 Ảnh minh họa.

Ủy ban Giám sát trừng phạt Triều Tiên của LHQ vừa khuyến cáo các quốc gia có quan hệ ngoại giao và thương mại với Bình Nhưỡng phải đề phòng những hoạt động điệp báo bí mật liên quan đến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Kyodo News dẫn báo cáo dài gần 130 trang của ủy ban trên viết: “Những nước có đại sứ quán, phái bộ thường trực hoặc đại diện thương mại của CHDCND Triều Tiên cần đặc biệt đề phòng các nhà ngoại giao và quan chức nước này”. Báo cáo đề cập những vụ việc ở Ukraine, Anh, Áo và CHDC Congo. Theo đó, nhiều nhân viên sứ quán Triều Tiên ở nước sở tại thực chất là điệp viên với nhiệm vụ thu thập thông tin mật về tên lửa, chào bán vũ khí, giả mạo giấy tờ…

Vụ án gián điệp Triều Tiên ở Ukraine

Báo cáo của LHQ đặc biệt nhấn mạnh vụ Ukraine phát hiện gián điệp Triều Tiên hồi năm 2011. Thông tin do nhà chức trách Ukraine và Belarus cung cấp cho thấy 2 nhân viên Văn phòng đại diện thương mại Triều Tiên tại Belarus tên Ryu Song-chul và Lee Tae-kil đã đến thành phố Dnipropetrovsk, miền nam Ukraine nhằm tìm cách tiếp cận các chuyên gia đã về hưu của Nhà máy Yuzhnoye. Nhà máy này là nơi thiết kế và sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa liên lục địa thời Liên Xô. Tuy không còn hoạt động nhưng tại đây vẫn lưu giữ một số lượng lớn tài liệu về tên lửa.

Theo báo Segodnya của Ukraine, Ryu và Lee cũng móc nối được với một kỹ sư từng làm việc ở Yuzhnoye để mua thông tin. Điều họ không ngờ là người này đã báo động cho cảnh sát, còn bản thân 2 điệp viên cũng bị lực lượng an ninh Ukraine theo dõi từ lâu. Một cái bẫy được giăng ra và 2 người Triều Tiên bị bắt quả tang khi đang dùng máy ảnh chụp lại tài liệu mật về các hệ thống cung cấp nhiên liệu cho động cơ tên lửa. Cả hai bị đưa ra xét xử và lĩnh án 8 năm tù giam mỗi người.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập các hoạt động của ông Yun Ho-jin, đại diện CHDCND Triều Tiên tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ở Vienna (Áo) từ năm 1993 - 1998. Ông Yun bị cáo buộc “điều hành một mạng lưới thu thập thông tin trái phép và thực hiện nhiều hoạt động tội phạm ở Vienna”. Quan chức này nay đã về nước và bị LHQ đưa vào danh sách trừng phạt.

Chưa hết, theo Kyodo News, một nhà ngoại giao và một đại tá quân đội Triều Tiên tại CHDC Congo cũng bị cáo buộc dính líu đến việc sử dụng các tài khoản ngoại giao để tìm mua thiết bị nâng cấp cho xe thiết giáp. Bên cạnh đó, vụ 2 người Triều Tiên bị điều tra về việc mua hộ chiếu giả của Seychelles cũng được báo cáo xem là một bằng chứng cho thấy các hoạt động ngầm của Triều Tiên ở đảo quốc này.


Theo Thanh Niên