Một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ soạn thảo nhằm cấm buôn bán than, sắt, chì và hải sản của Triều Tiên. Nghị quyết mới có thể nhận được sự đồng thuận cao của các nước và được Nga và Trung Quốc hỗ trợ.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
|
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bỏ phiếu vào hôm nay 5/8 về việc tăng cường
các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nhằm tước đi khoản thu nhập xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD (tương đương 850 triệu euro) của nước này.
Dự thảo nghị quyết này, được gửi tới Hội đồng Bảo an 15 thành viên hôm 4/8. Theo nội dung của nghị quyết, các quốc gia sẽ bị cấm nhận lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, cấm mọi liên doanh mới với chế độ của ông Kim Jong-un và cấm đầu tư mới vào các công ty liên doanh của quốc gia này.
Cuối cùng, Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, trung tâm thanh toán chính của nước này, sẽ được thêm vào danh sách cấm vận của LHQ.
Ai Cập, quốc gia hiện giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an, xác nhận rằng một cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết được lên kế hoạch vào lúc 3h chiều giờ địa phương hôm nay tại thành phố New York.
Theo một nhà ngoại giao giấu tên, Mỹ đã đàm phán các biện pháp đề xuất với Trung Quốc, đồng minh chính và là đối tác thương mại của Bình Nhưỡng, kể từ khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên (ICBM) vào ngày 4/7.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã trở nên cấp thiết hơn trong tuần qua, sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm ICBM lần thứ hai.
Nguồn ngoại giao cho biết: "Đây là những lĩnh vực xuất khẩu mang về nguồn thu quan trọng cho Triều Tiên. Chính khoản tiền này sẽ giúp chính quyền của ông Kim Jong-un nhanh chóng những cỗ máy chiến tranh đắt đỏ và những chương trình vũ khí hạt nhân đáng kinh ngạc".
Để được Hội đồng Bảo an thông qua, nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên này cần có 9 phiếu thuận và không có sự phản đối từ các thành viên thường trực của hội đồng - Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh.
Tuy nhiên, những quan điểm khác nhau về cách xử lý mối đe dọa quân sự của Triều Tiên. Mỹ, cùng với các đồng minh châu Âu của họ, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, cho rằng cần tăng các lệnh trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng phải ngừng chương trình vũ khí.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán là cần thiết hơn và các biện pháp trừng phạt sẽ không làm thay đổi hành vi của Triều Tiên.
Thảo Nguyên (Theo DW)