Đây là quyết định của Ủy ban Văn hóa thuộc Viện Cộng đồng Liên bang Nga sau khi kiểm tra một số di tích lịch sử trên bán đảo.
Crimea đã về với Nga cùng với 10.000 di sản lịch sử và văn hóa. Trong đó có những đối tượng từ thời đồ đá đến những di tích kiến trúc đầu thế kỷ 20.
Ở Crimea vốn có nhiều di tích nổi tiếng thời cổ đại và thời Trung Cổ. Cuối thế kỷ 18, bán đảo này đã vào thành phần Đế quốc Nga, và suốt thế kỷ 19 ở đây đã xây dựng nhiều cung điện và lâu đài của các thành viên gia đình hoàng gia Nga và tầng lớp quý tộc.
|
Lâu đầu "Tổ Yến".
|
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích kiến trúc đang trong tình trạng hư hỏng và đòi hỏi thực hiện các công việc phục hồi, trong một số trường hợp phải thực hiện dự án quy mô lớn. Trường hợp phức tạp nhất là lâu đài "Tổ Yến" – di tích lịch sử ở đỉnh vách núi hướng ra Biển Đen. Trong 20 năm qua, ở vùng lân cận đã thực hiện nhiều công việc xây dựng, và hoạt động đó gây nguy hiểm cho sự ổn định của vách núi. Cần phải gia cố nền móng, mà đây là một dự án rất phức tạp.
Ngoài ra, có cả "những việc nhỏ hơn", nhưng đòi hỏi chi tiêu nhiều tiền. Sau đây là ý kiến của chuyên viên Konstantin Mikhailov, thành viên Viện Cộng đồng, người đã tham gia chuyến thám hiểm Crimea: “Chúng tôi đã đến lâu đài tuyệt vời "Ksenia" tại thị trấn Simeiz, ngôi nhà này được nhắc tới trong văn học. Biệt thự đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, ở đây không thấy người chủ, mặc dù về mặt chính thức có người thuê nhà này. Đã 20 năm nay ở đây không thấy những người quét dọn, thậm chí không nói về các chuyên gia phục chế. Di tích này đang trên bờ vực sụp đổ”.
Trong hai thập kỷ qua, sau khi Crimea vào thành phần của nước Ukraine độc lập, trên bán đảo đã mở rộng các công việc xây dựng. Còn các di tích kiến trúc thì đã bị bỏ quên. Không phải khắp nơi đều có những thay đổi đáng lo ngại như trong lâu đài "Tổ Yến". Nhưng, ở nhiều nơi đã gây hư hỏng nghiêm trọng cho cảnh quan lịch sử.
Khắp mọi nơi xuất hiện những biệt thự đồ sộ của quan chức Ukraine và những người giàu có, kể cả trên lãnh thổ sát gần di tích lịch sử. Dưới thời Liên Xô, lãnh thổ này là khu bảo tồn kiến trúc, đã có lệnh cấm xây dựng những cơ sở mới trên địa bàn này. Vào đầu những năm 1990, bán đảo Crimea thuộc thẩm quyền của Ukraine. Dù về mặt chính thức Ukraine không bãi bỏ nguyên tắc này, nhưng, trên thực tế, không còn thực hiện lệnh cấm. Kết quả là, một biệt thự xấu xí được xây dựng trên sườn núi ngay bên trên cung điện lịch sử - nơi nghỉ dưỡng của các Hoàng đế Nga.
Chủ tịch Ủy ban Văn hóa của Viện Cộng đồng Pavel Pozhigajlo cho biết: “Đáng lẽ, hiện nay, ở Crimea nên ban bố lệnh cấm thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản trên địa bàn các di tích và bảo tàng. Cần phải sớm thiết lập trật tự trong lĩnh vực bảo vệ các di tích lịch sử “.
Ủy ban Văn hóa của Viện Cộng đồng Liên bang Nga dự định giám sát quá trình phát triển hệ thống bảo vệ di sản lịch sử ở Crimea. Bộ Văn hóa Nga cũng sẽ hoạt động theo hướng này. Và có thể là, một số người giàu có sở hữu biệt thự được xây dựng bất hợp pháp trên lãnh thổ các khu bảo tồn kiến trúc, sẽ phải tự bỏ tiền túi để phá dỡ.
Hà Hà (theo VOR)