Hội thảo trực tuyến về tình hình Biển Đông

Google News

Hội thảo đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong vấn đề Biển Đông, tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Ngày 20/6, Viện Đông phương học - Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về tình hình hiện nay ở Biển Đông với sự tham gia của nhiều học giả đến từ các trường, viện nghiên cứu của Nga.
Hội thảo đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong vấn đề Biển Đông, tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Các học giả trình bày quan điểm về những căng thẳng xảy ra gần đây, Biển Đông từ góc độ pháp lý, ứng xử của các bên ở Biển Đông, vai trò của ASEAN, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến Đông Nam Á và Biển Đông.
Hoi thao truc tuyen ve tinh hinh Bien Dong
Hội thảo trực tuyến về tình hình hiện nay ở Biển Đông với sự tham gia của nhiều học giả đến từ các trường, viện nghiên cứu của Nga. 
Hội thảo cho rằng tình hình ở Biển Đông đang ngày càng trở nên căng thẳng, chủ yếu là do Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Trong nửa đầu năm 2020, một loạt các hành động của Trung Quốc như tấn công ngư dân Việt Nam, tàu khảo sát Trung Quốc gây sức ép và giằng co với tàu Malaysia trong khu vực tranh chấp... Những hành động như vậy đã biến khu vực này tiềm ẩn nguy cơ cao trở thành điểm nóng xung đột.
Hội thảo cho rằng chính sách của Trung Quốc trong khu vực là muốn kiểm soát nguồn tài nguyên ở Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, thậm chí sẵn sàng vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng. Trung Quốc không che giấu tham vọng biến vùng biển này thành pháo đài chiến lược bằng việc quân sự hóa số lượng lớn các đảo được Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Nêu quan điểm về xung đột ở Biển Đông từ khía cạnh pháp lý, học giả Pavel Gudev - Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (IMEMO) nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không thừa nhận tính pháp lý và các quyết định của Toà án quốc tế về Luật Biển năm 2016. Những hành động như vậy đã biến Biển Đông thành khu vực không có bất kỳ thành phần pháp lý ràng buộc nào để có thể điều chỉnh tình hình. Do vậy, việc soạn thảo và ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là yếu tố quan trọng, có tính rằng buộc pháp lý để điều chỉnh ứng xử của các bên tranh chấp.
Liên quan quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, Hội thảo nhấn mạnh đến chính sách nhất quán của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển.
Học giả Dmitri Mosyakov – Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, Việt Nam là một trong những yếu tố chính của hòa bình và ổn định và có đóng góp lớn cho duy trì hòa bình ở khu vực này. Việt Nam kiên định đường lối giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình. Chính sách của Việt Nam đã phát huy vai trò ASEAN là yếu tố quan trọng trên thế giới và với sự đồng lòng của ASEAN sẽ mở ra cơ hội để Biển Đông được ổn định hơn và tình hình có thể được kiểm soát tốt hơn. Việt Nam là nước luôn ủng hộ việc sớm hoàn thành và thực thi COC.
Ngoài ra, với chính sách đối ngoại đa phương, Việt Nam coi trọng việc hợp tác với các đối tác châu Á và nước khác thế giới như là Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Nga. Mối quan hệ hợp tác ở mức độ rất cao với các nước có thể ảnh hưởng tích cực đến việc giảm bớt căng thẳng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Hội thảo đề cập chính sách không thay đổi, quan điểm trung lập của Nga liên quan đến tình hình ở Biển Đông. Nga kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trên cơ sở ngoại giao hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và thúc đẩy cho đàm phán và ký kết COC để sớm có hiệu lực pháp lý. Quan điểm này đáp ứng đầy đủ lợi ích của tất cả các bên xung đột để giải quyết các vấn đề đang tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Theo PV/VOV.VN