Giáo sư Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Australia, Giám đốc hãng tư vấn Thayer Consultancy - nhận định như vậy ngày 28/4.
“Hành động của Trung Quốc đe dọa gây xói mòn nỗ lực 48 năm của ASEAN trong việc nâng cao sự tự chủ của Đông Nam Á, tránh sự can thiệp của bên ngoài. Trung Quốc mưu toan thay đổi 'thực tế trên thực địa' bằng cách thôn tính biển Đông và đặt biển Đông dưới quyền kiểm soát quân sự và hành chính của nước này”, GS Thayer nhận định.
|
Ảnh vệ tinh gần đây về việc xây dựng, cải tạo trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: IHS Jane’s. |
Trung Quốc cũng mưu toan phá hoại các liên minh của Mỹ và sự đảm bảo an ninh bằng cách sử dụng tàu chấp pháp dân sự và đội tàu cá để thực hiện các hành động đe dọa, ép buộc Philippines, Việt Nam. Các hành động này được dàn xếp một cách cẩn trọng và giúp Trung Quốc thúc đẩy quyền kiểm soát thực tế trên biển Đông. Mưu sâu của Trung Quốc khiến Mỹ đến nay chưa thể phản ứng một cách có hiệu quả, GS Thayer nhận xét.
Cuối cùng, Trung Quốc tìm cách khai thác sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN và lôi kéo ASEAN vào các hiệp ước an ninh riêng biệt ở Đông Á, vì thế làm xói mòn tính trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực, ông Thayer khẳng định.
Kể từ năm 2009, khi Trung Quốc chính thức đưa ra bản đồ đường 9 đoạn đầy tham vọng, yêu sách chủ quyền đối với tất cả đá, đá ngầm, bãi cạn, đảo cùng vùng nước tiếp giáp (chiếm phần lớn diện tích biển Đông), nước này đã có nhiều hành động quyết liệt, nếu không muốn nói là khiêu khích, để củng cố và mở rộng quyền kiểm soát của mình đối với biển Đông. Những hành động này ít nhất gồm có:
- Quấy rối ngư dân Việt Nam, Philippines và những nước khác đánh bắt hải sản trong khu vực đường 9 đoạn, bằng cách đâm va, đánh chìm, phá hủy, đánh cắp tài sản, bắt thủy thủ đoàn, tịch thu hải sản họ đánh bắt được;
-Đe dọa, cắt cáp tàu tham gia khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và Philippines;
- Thực sự thôn tính bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham do Philippines quản lý và gây căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây mà trên đó Philippines có một đơn vị nhỏ lính thủy đánh bộ. Trung Quốc thôn tính bằng cách cho các tàu thực thi pháp luật trên biển có vũ trang đồn trú thường xuyên ở vùng biển xung quanh, quấy rối nỗ lực tiếp tế cho lính thủy của Philippines;
- Khuyến khích ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm trong vùng biển mà yêu sách đường chín đoạn chồng lấn với EEZ của các quốc gia ven biển;
- Các tàu chấp pháp biển của Trung Quốc ép buộc giới chức Đông Nam Á thả ngư dân Trung Quốc bị bắt vì đánh bắt trái phép;
- Triển khai giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương 981 đi kèm đội tàu hộ tống 80-100 chiếc (bao gồm tàu chiến hải quân, tàu của các lực lượng chấp pháp trên biển, tàu kéo, tàu cá liên quan lực lượng dân quân Trung Quốc) trong EEZ của Việt Nam. Họ sử dụng chiến thuật đâm va và phun vòi rồng để chống lại tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam;
- Quấy rối và đối đầu nguy hiểm với máy bay và tàu hải quân Mỹ hoạt động trong không phận và vùng biển quốc tế trên biển Đông (ví dụ tàu tuần tra biển USS Cowpensand P-8 Poseidon);
- Xây dựng và cải tạo đất quy mô lớn trên 5 thực thể địa lý trên biển Đông, bao gồm việc xây dựng một đường băng và các bến tàu có khả năng tiếp nhận tàu quân
Phía sau việc cải tạo
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Alexander Neill, chuyên gia hàng hải, hải quân, nghiên cứu viên cao cấp của Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở châu Á, nhận định, các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông cho thấy, họ không chỉ đơn thuần nạo vét mà còn xây dựng hạ tầng trên đá Chữ Thập, không chỉ trong phạm vi bãi đá này mà có thể áp dụng cho một số bãi đá gần đó.
Theo chuyên gia Neill, Trung Quốc có các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tranh chấp, để nước này toàn quyền hành động trong việc nâng cao sự hiện diện quân sự ở Trường Sa cũng như quanh quần đảo này. Trước đó, Trung Quốc đã tập trung vào việc củng cố các cơ sở ở Hoàng Sa và vùng biển xung quanh, bước đi đầu tiên là thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và tăng cường sự hiện diện quân sự lâu dài tại đó. Nhận thức tình huống ở khu vực này là mục tiêu chính, ông Neill nhận định.
Trung Quốc biết rằng, ở phần phía Nam của biển Đông, sự nhận thức tình huống và năng lực tiến hành chiến tranh viễn chinh của nước này không cao như ở phần phía Bắc của biển Đông. “Vì vậy, việc thiết lập sự hiện diện đáng kể, lâu dài và liên tục ở quần đảo Trường Sa phải là một mục tiêu chính của Trung Quốc. Đây là một cách tiếp cận tăng cường. Một khi Trung Quốc thiết lập được một sự hiện diện như vậy ở Trường Sa, các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông sẽ khó mà đánh bật được vị trí của Trung Quốc, dù Tòa án Quốc tế về Luật Biển có ra phán quyết gì đi chăng nữa”, chuyên gia Neill nhận định.
Tướng Gregorio Catapang, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, mới đây phát biểu: “Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước tốc độ cải tạo của Trung Quốc trên biển Đông. Quá nhanh!”. Sau khi cải tạo xong các bãi đá, Trung Quốc có thể đưa nhiều tàu đến đó, quân sự hóa khu vực và gây ra căng thẳng, tướng Catapang nói.
Theo Tiền Phong