Người địa phương hiếm khi đến tìm vui tại khu đèn đỏ rộng thênh thang Kamathipura (Mumbai, Ấn Độ). Nhưng các cô gái tại đây cũng chẳng phải bận tâm. Chỉ với những chiếc điện thoại di động rẻ tiền, họ có thể dễ dàng chèo kéo khách từ nơi khác đến.
Những chuyên gia am hiểu thị trường tình dục Ấn Độ cho biết, ĐTDĐ giờ đây giống như cửa ngõ tí hon dẫn gái bán hoa tới với sự “hiện đại”. Nó cho phép các cô gái bỏ qua khâu ma cô, chủ chứa dẫn gái để tự mình tìm đến với khách. Đó là chưa kể nó còn khiến cho hoạt động của họ ít bị chính phủ phát hiện, lần dấu hơn.
|
|
Nhưng tất nhiên, trong khi các cô gái bán hoa có khả năng kiếm được nhiều mối khách hơn, thì nguy cơ mà họ - cũng như khách hàng của họ gặp phải càng tăng lên.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy, những cô gái bán hoa dùng ĐTDĐ làm công cụ tìm khách chính có nguy cơ mắc HIV cao hơn, bởi so với những “đồng nghiệp” làm việc ở nhà chứa, họ ít yêu cầu khách hàng dùng bao cao su hơn.
Những cô gái này thừa nhận, họ chấp nhận rủi ro nhiều hơn để chiều lòng khách và giữ chân khách quen, đảm bảo cho thu nhập của mình.
“Giờ đây tôi phải cầm đủ tiền trên tay thì mới khởi sự”, Neelan, một gái bán hoa có 4 con tiết lộ. Nghề này chỉ là nghề phụ của Neelan và chồng cô cũng như hàng xóm đều không hề hay biết. Cái tên Neelan đương nhiên cũng chỉ là biệt danh, không phải tên thật.
“Trước đây, nếu như khách hàng sợ hãi và không đi tới khâu cuối, ma ma có thể sẽ cắt bớt tiền của gái. Nhưng giờ đây, khi khách thoái lui, tôi sẽ nói tôi đã mất công cởi hết và tiền tôi sẽ giữ hết”, Neelan thẳng thắn.
|
|
Ấn Độ từng là câu chuyện thành công đáng kinh ngạc nhất của thế giới trong cuộc chiến chống AIDS. Mặc dù căn bệnh thế kỷ chỉ lây nhiễm tại nước này từ năm 1986, song nhiều người từng dự đoán Ấn ĐỘ sẽ sớm trở thành một điểm sôi của AIDS. Năm 2002, Hội đồng Tình báo Quốc gia của CIA từng dự đoán Ấn Độ sẽ có tới 25 triệu ca nhiễm AIDS vào năm 2010. Thế nhưng trên thực tế, hiện nay cả Ấn Độ chỉ có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân AIDS mà thôi.
Một trong những lý do quan trọng khiến AIDS không bùng phát mạnh tại Ấn là vì hầu hết phụ nữ tại đây có ít bạn tình hơn so với các quốc gia đang phát triển khác. Cũng quan trọng không kém là các nỗ lực quyết liệt của Ngân hàng thế giới và Quỹ Bill&Melinda Gates trong việc tuyên truyền, bảo vệ những nhóm nguy cơ cao như gái mại dâm, đồng tính và người nghiện ma túy.
Tuy nhiên tại thời điểm này, Quỹ BMGF gần như đã kết thúc việc giám sát và hỗ trợ hoạt động phòng chống AIDS tại Ấn Độ, khi mà các nỗ lực dạy nghề, cải tạo gái mại dâm ngày càng trở nên khó khăn.
“Gái mại dâm ở Ấn hiện hoạt động rất di động. Việc liên hệ với họ là cực khó”, cựu giám đốc Quỹ BMGF Ấn Độ cho biết.
Một nguy cơ khác nữa mà ĐTDĐ mang lại là nó đang giúp mở rộng thị trường tình dục, lôi kéo ngày càng nhiều phụ nữ làm nghề “tay trái” và thuyết phục nam giới tìm đến mại dâm nhiều hơn. Những tin nhắn mời gọi và các dịch vụ môi giới đang nở rộ như nấm sau mưa trên khắp Ấn Độ.
Trước đây, nhiều người ngại ngùng khi tìm đến gái mại dâm vì khó liên lạc hoặc ngại không muốn dây dưa đến ma cô. Nhưng giờ đây việc liên hệ với gái dễ hơn nhiều, riêng tư hơn rất nhiều, chuyên gia bệnh dịch học Suneeta Krishnan phân tích.
Sự thay đổi này đã khiến cho công việc kinh doanh ở khu đèn đỏ “chính thức” trên đường Garstin Bastion thuộc Delhi sụt giảm nghiêm trọng, và gần như phá hủy cả khu đèn đỏ Kamathipura của Mumbai, nơi các nhà chứa đã mọc lên từ thế kỷ thứ 18.
Champa, một tú bà mặt mày nhăn nheo, tay chân đeo đầy nhẫn bạc cho biết đã sở hữu một nhà chứa trong ngõ hẹp được 50 năm nay. Nhưng cũng giống như nhiều ngành nghề khác, công nghệ thông tin đã loại bỏ vai trò của những trung gian giữa người mua, kẻ bán. “Thời tàn của Kamathipura đã đến”, Champa chua chát nói.
Từng có thời Champa quản lý tới 20 gái mại dâm, sinh hoạt trong một nhà chứa rộng 9 phòng. Giờ đây, Champa chỉ còn lại 3 cô. Tệ hơn là (từ góc độ của Champa), những cô còn lại cũng tự thu phí và chỉ đưa cho Champa 2 USD mỗi ngày coi như tiền thuê phòng. Cách đây 5 năm, cứ mỗi lượt đi khách, họ lại phải chia lại cho Champa 2 USD.
Trước đây, khu hẻm nhỏ này có tới 75 nhà chứa mọc chen chúc. Giờ đây chỉ còn lại 8 nhà chứa còn hoạt động. Thập niên 90, Kamathipura từng chứa chấp tới 50.000 gái mại dâm nhưng con số đó nay chỉ còn chưa đầy 5.000 người, các quan chức địa phương cho hay.
Sự tàn lụi của Kamathipura kể ra cũng có công của việc đô thị hóa. Sự phát triển chóng mặt của Ấn Độ đã biến nhiều khu ổ chuột trước đây thành địa chỉ bất động sản hút khách. Giá đất tăng khiến nhiều chủ chứa quyết định bán đất đổi tiền.
Nhưng quan trọng nhất phải kể đến sự phổ biến của ĐTDĐ. Theo ước tính, gần ¾ dân số Ấn Độ hiện sở hữu điện thoại. Sự cạnh tranh khốc liệt đã đẩy giá điện thoại xuống mức cực kỳ bình dân, ngay cả người nhặt rác giờ cũng có thể dùng điện thoại di động như ai.
“Tôi rất vui vì điện thoại trở nên phổ biến và giúp tôi có được cơ hội này”, Kushi, một bà mẹ trẻ phải dấn thân vào nghề này sau khi trốn khỏi người chồng bạo hành và nghiện rượu tâm sự. Cô kiếm được 3-4 khách hàng mỗi tuần và tính phí 20 USD/lần, đắt hơn nhiều so với mức 4 USD thường gặp ở các nhà chứa rẻ tiền.
Theo VNN