|
Vũ khí và chiến binh từ Syria đang đổ xô sang Iraq.
|
Theo đó, Thủ tướng Al-Maliki nhấn mạnh, vũ khí được một số quốc gia cung cấp và hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria cũng như các chiến binh nước ngoài hòng lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad nay đang ồ ạt chảy vào Iraq.
"Vũ khí được cung cấp cho những kẻ giết người ở Syria nay đang được buôn lậu sang Iraq. Những kẻ giết người nước ngoài từ Syria nay đang lén xâm nhập vào Iraq", ông Al-Maliki nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng Al-Maliki cảnh báo, dòng chảy vũ khí và các chiến binh đang đổ vào Iraq từ Syria càng khiến tình hình bạo lực ở Iraq trở nên phức tạp hơn.
Iraq vẫn duy trì lập trường trung lập đối với cuộc xung đột Syria. Chính phủ do người Shiite lãnh đạo ở Baghdad từng nhiều lần kêu gọi giải pháp chính trị hòa bình để kết thúc cuộc khủng hoảng và cảnh báo, nếu chiến thắng cuối cùng thuộc về quân nổi dậy, nguy cơ xung đột giáo phái tại Iraq và Lebanon cũng sẽ được mở ra.
Biên giới Iraq-Syria dài nhưng rất mong manh chạy dọc theo các tỉnh do người Sunni thống trị bao gồm Anbar và Ninevah của Iraq. Nó là cầu nối quan trọng cho các chiến binh al-Qaeda và vũ khí trong những năm sau cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003.
Quân đội biên phòng Iraq thường xuyên đụng độ với các chiến binh nổi dậy và những kẻ buôn người cố gắng vượt biên.
Tình hình bạo lực ở Iraq vẫn tiếp diễn triền miên. Hôm 17/8, các tay súng nổ súng vào một trạm kiểm soát quân đội ở phía nam Baghdad, giết chết 4 binh sĩ và làm bị thương 4 người khác.
Trong một cuộc tấn công vào một trạm kiểm soát gần Muqdadiyah, phía bắc Baghdad, 3 binh sĩ thiệt mạng và 1 người khác bị thương. Tại Tikrit, phía bắc thủ đô, các tay súng nổ súng vào một trạm kiểm soát quân đội, giết chết 2 binh sĩ. Ngoài ra, một chiếc xe bom phát nổ tại thành phố cảng phía nam Qasr Um nhưng may mắn không gây thương vong.
Tất cả những vụ bạo lực chết người kể trên là mới nhất trong làn sóng bạo lực diễn ra trên khắp Iraq sau vụ đàn áp đẫm máu của các lực lượng chính phủ tại một trại biểu tình của người Sunni hồi tháng 4. Hơn 3.000 người đã thiệt mạng trong vài tháng qua, gia tăng lo ngại rằng Iraq có thể đối mặt với tình trạng xung đột giáo phái đẫm máu mở rộng tương tự như tình trạng bạo lực đẩy nước này đến bờ vực nội chiến năm 2006 và 2007.
Bạch Dương (Theo Japan Times)