Theo AFP, các luật sư sẽ tiết lộ ai là người được quyền kiểm soát khối tài sản trị giá hàng triệu USD của chính khách 95 tuổi này.
Sau khi mất, cố tổng thống Nam Phi đã để lại người vợ Graca Machel, người vợ cũ Winnie Madikizela-Mandela và hơn 30 người con, cháu, chắt cũng như trung tâm tưởng niệm Nelson Mandela và Quỹ nhi đồng Nelson Mandela.
Thông tin cho biết việc công bố di chúc này có thể sẽ gây căng thẳng trong đại gia đình của cố tổng thống. Bởi ngay khi ông còn sống, các con và cháu của ông thường xuyên xung đột về việc ai sẽ là người đứng đầu gia đình Mandela và ai sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của ông.
Nhiều người còn lấy tên Mandela để làm chỗ dựa cho các dự án thương mại trong lĩnh vực kinh doanh rượu, quần áo, hình ảnh và mạng xã hội.
|
Cố tổng thống Nelson Mandela cùng với thiếu nhi trong buổi lễ mừng thọ 89 tuổi ở Quỹ nhi đồng Nelson Mandela ở Johannesburg - Ảnh: AFP |
Trong khi cố tổng thống Mandela nằm bệnh trong bệnh viện, hai con gái của ông là Zindzi và Zenani đã khởi xướng vụ kiện để tống khứ George Bizos và Tokyo Sexwale, vốn là những người được ông tín cẩn ủy thác nắm giữ cổ phần đầu tư của gia đình Mandela.
Ismail Ayob, luật sư đại diện của hai người này đã xử lý nhiều vụ liên quan đến gia đình này cho đến khi bị sa thải do bị nghi ngờ giả mạo hình ảnh của Mandela và bỏ túi riêng hàng triệu USD.
Trong khi đó, con gái lớn của ông là Makaziwe đã khóa trái cửa căn nhà ở vùng nông thôn của gia đình Mandela sau khi ông qua đời nhằm ngăn chặn không cho người cháu nội lớn nhất của ông là Mandla, cũng là người đứng đầu gia tộc Mandela vào nhà.
Cả Makaziwe và Mandla đều đưa ra tuyên bố nắm quyền gia đình sau khi cố tổng thống Mandela qua đời hồi tháng 12/2013. Makaziwe được sự ủng hộ của bà Winnie, vốn là vợ cũ của cố tổng thống, còn Mandla nhận được sự chống lưng của đại gia đình.
Theo bản di chúc tóm lược vừa được công bố tại Quỹ nhi đồng Nelson Mandela ở Johannesburg ngày 3/2, bà Graca được hưởng phân nửa số tài sản trên nhưng có thể được chọn lựa để nhận những tài sản đặc biệt, trong đó có bốn bất động sản ở Mozambique.
Tiền bản quyền từ các đầu sách của ông và các dự án khác cũng như những căn nhà ở Johannesburg, Qunu và Mthatha được ủy thác cho gia đình.
Trong khi đó, căn nhà ở Houghton (Johannesburg) nơi ông Mandela qua đời hôm 5/12/2013 sẽ dành cho gia đình người con trai quá cố của ông - Makgatho.
“Ước nguyện của tôi để lại căn nhà đó như một nơi để gia đình Mandela tụ họp nhằm duy trì sự đoàn kết của gia đình sau khi tôi mất” - AFP dẫn di chúc của cố tổng thống Mandela viết.
Mỗi người con của Mandela đã được vay 300.000 USD mỗi người và khoản nợ này sẽ được xóa đi nếu chưa được hoàn trả. Cố tổng thống Nam Phi thưởng cho mỗi nhân viên của mình 4.500 USD mỗi người, trong đó có trợ lý tín cẩn Zelda La Grange. Bản di chúc cũng dành khoảng 90.000 USD cho trường đại học Wits và Fort Hare và ba trường học khác cũng được tặng một khoảng tương tự.
Riêng Đại hội dân tộc châu Phi (ANC), nơi ông Mandela giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên năm 1994, sẽ nhận được một phần trong tiền bản quyền các tác phẩm của ông.
Theo AFP, bản di chúc đã được viết lần đầu tiên vào năm 2004 và chỉnh sửa lần cuối cùng vào năm 2008. Ông Dikgang Monseneke, phó chánh án tòa án hiến pháp Nam Phi, đồng thời cũng là một trong những người thực hiện di chúc của cố tổng thống Nelson Mandela cho biết buổi công bố di chúc rất xúc động và chưa có ai tranh cãi về bản di chúc này.
Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã để lại khối tài sản trị giá 4.1 triệu USD cho vợ mình là bà Graca Machel, các thành viên gia đình, nhân viên, các trường học và Đại hội dân tộc châu Phi (ANC).
Theo Tuổi Trẻ