Các nước láng giềng ngày càng lo lắng các hành vi hung hăng nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông có thể dẫn đến xung đột quân sự. Kết luận này được một nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew đưa ra ngày 14/7 sau khi thực hiện trưng cầu dư luận tại 44 nước. Kết quả nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy 62% người được hỏi lo lắng về các tranh chấp lãnh thổ giữa nước này và các nước láng giềng có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
“Theo kết quả trưng cầu tại 11 quốc gia châu Á, hơn một nửa người được hỏi đều bày tỏ lo lắng về việc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn tới xung đột quân sự”, nghiên cứu cho thấy.
|
Tàu Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. |
Theo nghiên cứu của Pew, người dân Philippines và Nhật Bản đứng đầu danh sách các nước có người dân lo lắng về việc xung đột quân sự có thể xảy ra do các hành vi đơn phương khiêu khích của Trung Quốc với tỷ lệ người được hỏi bày tỏ sự lo lắng lên đến 93% ở Philippines và 85% ở Nhật. Con số này ở Việt Nam là 84%.
Theo báo cáo, người Nhật, Philippines và Việt Nam đều coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia. Trong khi, người Trung Quốc, Malaysia và Pakistan coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất.
Người dân các nước Bangladesh, Ấn Đô, Indonesia và Thái Lan coi Mỹ là đồng minh lớn nhất của mình. Tuy vậy, người Indonesia cũng coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất.
40% người được trưng cầu dân ý tại 44 nước cho rằng Mỹ vẫn còn là siêu cường trên thế giới. Cần lưu ý, con số này là 49% trong năm 2008.
Trái ngược với niềm tin sụt giảm về quyền lực của Mỹ, 31% người được hỏi cho rằng Trung Quốc đang là quyền lực hàng đầu, tăng từ 19% năm 2008.
50% người được hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ thay thế hoặc đã thay thế vai trò của Mỹ trong khi những người phủ nhận điều này chỉ là 32%.
Ngô Trang