Trong những ngày qua, nhóm tàu Hải dương 08 và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hành động này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Mới đây, tại Hội nghị Ấn Độ Dương (IOC) ở thủ đô Male của Maldives ngày 4/9, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam.
“Việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp và hành động leo thang đối với các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là rất đáng lo ngại”, ông Harris phát biểu.
|
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ Mỹ Harris cũng lên tiếng về chính sách ngoại giao của Trung Quốc cũng như những hành động "bắt nạt" của Bắc Kinh trên biển Đông.
“Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là tìm cách buộc các thành viên ASEAN xác định các quy tắc ứng xử trong khu vực do Bắc Kinh đưa ra và tuân thủ theo mong muốn của Trung Quốc. Các bạn có thể thấy sự hăm dọa trong việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và bất chấp luật pháp quốc tế. Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự lựa chọn rộng lớn hơn cho các quốc gia trong khu vực. Sự cưỡng ép và kiểm soát đối với tự do và luật pháp”, ông Harris nói tiếp.
"Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ. Điều mà chúng tôi tin tưởng là vùng biển rộng lớn được gọi là Biển Đông là vùng biển quốc tế. Các căn cứ quân sự mà Trung Quốc tạo ra… (với) bức tường cát khổng lồ giữa Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”, ông Harris trả lời một câu hỏi tại Hội nghị IOC.
Trước đó, ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang gây sức ép đối với Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực.
"Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, bao gồm Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết.
Mời độc giả xem thêm video: Tàu Trung Quốc Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam (Nguồn: VTC1)
Về phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam không chấp nhận hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Theo bà Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình trong khu vực.
Thiên An (T.H)