Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga gọi cách làm của người biểu tình là đang cố gắng "phá hủy nền pháp trị".
Nhà lãnh đạo cho biết việc người biểu tình ngồi kín sân bay quốc tế Hong Kong khiến các chuyến bay buộc phải hủy đêm 12/8, cũng như việc bao vây đồn cảnh sát và chặn đường trên diện rộng của họ đã khiến thành phố không còn an toàn.
|
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nén xúc động khi nói chuyện với phóng viên ngày 13/8. (Ảnh: Nora Tam) |
Phát biểu với giới truyền thông sáng 13/8, bà Lâm nói: "Hong Kong đã bị thương nặng. Sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi." Bà hỏi những người biểu tình rằng liệu họ có muốn đẩy Hong Kong vào vực thẳm hay không.
Tuy nhiên Carrie Lam từ chối các câu hỏi về việc liệu bà có từ chức.
"Tôi với tư cách là trưởng đặc khu, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lại nền kinh tế Hong Kong và lắng nghe một cách chăm chú nhất có thể để những bất bình của người dân có thể được giải quyết".
Hong Kong bị chấn động bởi các cuộc biểu tình, bạo lực kể từ ngày 9/6, mà nguyên nhân là dự luật dẫn độ cho phép nghi phạm hình sự được đưa trở lại Trung Quốc đại lục để xét xử. Hiện việc thảo luận dự luật này đã bị hoãn.
|
Các chuyến bay đến và đi từ sân bay Hong Kong tiếp tục thay đổi lịch trình. |
Hơn 300 chuyến bay tiếp tục bị hủy tại sân bay Hong Kong ngày 13/8, sau cuộc biểu tình quy mô lớn làm một trong những trung tâm du lịch nhộn nhịp nhất thế giới dừng lại hoàn toàn.
Tính đến 8 giờ sáng 13/8 (giờ địa phương), 160 chuyến đi và 150 chuyến đến, có lịch đi hoặc đến tại sân bay trong khoảng nửa đêm ngày 12/8 đến 23h55 ngày 13/8, đã bị hủy. Hàng dài hành khách chờ đợi tại các quầy làm thủ tục khi sân bay cố gắng hồi phục hoạt động bình thường, trong khi những người khác tranh thủ chợp mắt sau khi vạ vật ở sân bay cả đêm.
Sảnh đến khá im ắng, với một số người biểu tình vẫn còn ở lại, giơ biển khẩu hiệu phản đối. Cơ quan điều hành sân bay cho biết họ đã điều chỉnh lại lịch các chuyến bay ngày 13/8, kêu gọi hành khách cập nhật thông tin trước khi đến sân bay.
Một số hành khách cho rằng những gì người biểu tình đang làm có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng của đặc khu Hong Kong. “Tôi không phiền gì về chuyện biểu tình, việc có nhu cầu đó là chuyện bình thường. Hồi còn trẻ chúng tôi đã ngồi hàng giờ ở công viên Victoria nhưng sau đó rời đi. Còn sân bay là cửa ngõ thành phố. Mọi người sẽ nghĩ gì nếu đến đây và nhìn thấy điều này?” – Lillian Kok, một hành khách đã về hưu cho biết.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Mời độc giả xem thêm video về cuộc biểu tình ở Hong Kong (Nguồn: CBSN)
Theo Phương Anh/VTC News