"Chính quyền Mỹ tin rằng việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine không phải là cách để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine", Phó trợ lý của Tổng thống Mỹ cho An ninh Quốc gia, ông Ben Rhodes cho hay.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ
Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Mỹ, trong tình trạng hiện tại ở Ukraine thì việc cần thiết là gây sức ép lên Nga thông qua các biện pháp trừng phạt. “Chúng tôi tin rằng cách hay nhất làm ảnh hưởng đến các toan tính của Nga là việc sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế, điều làm ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Nga”, quan chức của Nhà trắng, ông Rhodes nói trên truyền hình CNN.
|
Phó trợ lý An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ ông Ben Rhodes. |
“Chúng tôi không tin rằng câu trả lời cho cuộc khủng hoảng này chỉ đơn giản là “tiếp thêm nhiều vũ khí nữa”, ông Rhodes, người nắm vai trò quan trọng trong việc cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama nói.
Trước đó, một số các hãng truyền thông của Mỹ, dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ cho rằng có khả năng Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine.
Vị thế của Nhà Trắng
Trả lời về vấn đề này trong các cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ - Jen Psaki cho biết “chưa có một quyết định nào được đưa ra”. Mỹ vẫn khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp “chính trị và ngoại giao” để khắc phục tình trạng xung đột vũ trang ở Đông Nam Ukraine, bà Jen Psaki cho hay.
Về phía mình, người phát ngôn của Ủy ban An ninh Quốc gia của Nhà Trắng (NSC), ông Bernadette Meehan, khẳng định: “Mục tiêu chính của chúng tôi là cung cấp một giải pháp thông qua biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ sẽ luôn tìm kiếm các biện pháp khác, giúp tạo ra khoảng không gian để giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các cuộc đàm phán”, đại diện của NSC cho biết
Mối quan hệ ở châu Âu
Trước đó, tờ báo Spiegel Online lưu ý rằng kế hoạch cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine sẽ “đe dọa sự thống nhất ở châu Âu”.
“Nếu ông Obama thực sự thực hiện kế hoạch này, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ leo lên một mức độ mới. Quan điểm này được đưa ra bởi đại diện của cả hai bên cầm quyền và đối lập ở Đức”, tác giả bài viết cho hay.
Ngoại trưởng Đức Frank, Walter Steinmeier, cho biết ông phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. “Chiến tranh không thể giải quyết bằng bạo lực, và tôi gửi những lời này tới những người, bao gồm cả những người bạn ở Mỹ, đang xem xét việc cung cấp các vũ khí cho Ukraine”, ông Frank, Walter Steinmeier, nói thêm, “Hành động đó sẽ gây ra thêm nhiều thương vong nữa”.
Vị thế của Nga
Trong trường hợp một quyết định về việc Mỹ cung cấp vũ khí chết người cho Ukraine được thông qua, căng thẳng ở Đông Nam Ukraine sẽ gia tăng đáng kể. Quan điểm này được người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga,ông Konstantin Kosachev, chia sẻ với các phóng viên.
Theo ông, căng thẳng leo thang ở miền Đông Nam Ukraine là có lợi cho Kiev bởi vì cho phép đẩy lùi thời hạn “đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi khó" về việc tại sao trong gần một năm cầm quyền, các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn chưa mang lại sự ổn định và chưa có bất kỳ cải thiện nào trong tình hình ở đất nước.
Nguyễn Trung (Theo Itar-Tass)