Cảnh sát Minneapolis ghì cổ khiến 44 người bất tỉnh trong 5 năm

Google News

Các chuyên gia cho biết con số 44 người bất tỉnh vì bị cảnh sát ghì cổ trong vòng 5 năm qua ở Minneapolis là cao bất thường, và điều đó đã dự báo trước một thảm kịch sẽ diễn ra.

Theo NBC, kể từ đầu năm 2015, các sĩ quan của Sở Cảnh sát Minneapolis đã khiến 44 người bất tỉnh sau khi khống chế vùng cổ của họ. Một số chuyên gia cho rằng con số này có vẻ cao bất thường.
Từ đó tới nay, cảnh sát Minneapolis đã khống chế vùng cổ của nghi phạm 237 lần, và 16% số trường hợp sử dụng cách khống chế này dẫn đến việc người bị khống chế bất tỉnh, dữ liệu của sở cảnh sát cho thấy. Vì dữ liệu về việc sử dụng vũ lực là không được công khai, nên rất khó để so sánh con số này với các thành phố khác có cùng quy mô như Minneapolis.
Canh sat Minneapolis ghi co khien 44 nguoi bat tinh trong 5 nam
Cảnh sát Derek Chauvin đè gối lên gáy của ông George Floyd khiến ông này thiệt mạng. 
Cảnh sát định nghĩa khống chế vùng cổ là khi nhân viên thực thi pháp luật sử dụng tay hoặc chân để đè vào cổ nghi phạm mà không gây áp lực trực tiếp vào đường thở.
Hôm 25/5, sĩ quan Derek Chauvin (nay đã bị sa thải và buộc tội) đã đè đầu gối lên cổ của George Floyd trong vòng 8 phút, khi ông này đang bị còng tay, trong đó có gần 3 phút sau khi ông Floyd không còn phản ứng.
Ông Chauvin hôm 29/5 đã bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát với cái chết của George Floyd.
Các quan chức cảnh sát và chuyên gia trong ngành đều nói với đài NBC rằng kỹ thuật mà Chauvin sử dụng để khống chế ông Floyd - quỳ gối lên gáy khi ông Floyd đang nằm sấp dưới mặt đường - không hề có trong chương trình đào tạo của bất cứ cơ quan cảnh sát nào.
Một quan chức Minneapolis cho biết sở cảnh sát thành phố không cho phép các nhân viên sử dụng kỹ thuật này khi khống chế nghi phạm.
Đối với hầu hết sở cảnh sát các thành phố lớn, biến thể khác của việc khống chế cổ - được gọi là kẹp cổ - đều cực kỳ bị hạn chế sử dụng, nếu không muốn nói là bị cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên, sổ tay hướng dẫn của Sở Cảnh sát Minneapolis, có trên trang web của cơ quan này, lại cho phép các sĩ quan sử dụng biện pháp khống chế vùng cổ dù có thể dẫn đến việc bất tỉnh, và dường như giao thức để cho phép sử dụng biện pháp này đã không được cập nhật trong vòng 8 năm qua.
Theo Sơn Trần/Zingnews.vn