Các cuộc đụng độ xảy ra hôm qua khi hàng chục nghìn người thuộc 2 phe đối lập ủng hộ Moscow và ủng hộ Kiev xuống đường biểu tình khắp các thành phố của Ukraine.
|
Cảnh sát can thiệt, ngăn cuộc đụng độ giữa những người biểu tình thuộc 2 phe đối đầu, một ủng hộ Nga, một ủng hộ Kiev ở thành phố Donetsk hôm qua 9/3.
|
Hàng nghìn người ủng hộ gia nhập Nga đã chiếm trụ sở chính quyền tại khu vực phía đông thành phố Lugansk và cờ Nga đã được treo tại trụ sở lực lượng an ninh địa phương ở Donetsk.
“Nga! Nga!”, đám đông vừa vẫy cờ Nga vừa hô vang ở Donetsk, cơ sở chính trị của Tổng thống bị lật đổ Yanukovych.
Ở Odessa, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, khoảng 3.000 người đã biểu tình ủng hộ Kiev và hát bài quốc ca Ukraine.
Tuy nhiên, các sự cố an ninh ngày càng trở nên đáng báo động ở
Crimea. Thành phố Sevastopol – nơi Nga có một căn cứ Hải quân – nhóm người ủng hộ Moscow cầm roi da tấn công những người biểu tình ủng hộ Kiev.
Lính biên phòng Ukraine cũng cáo buộc, họ phát hiện sự xuất hiện của 60 xe tải quân sự của Nga tại Crimea đồng thời một nhóm người ủng hộ Moscow quá khích đã tấn công một trạm radar.
Ngoài ra, chính quyền Kiev cũng cáo buộc Nga cố tình đánh chìm 3 tàu của họ ngoài khơi Biển Đen để phong tỏa lực lượng Hải quân Ukraine nhằm bao vây các căn cứ quân sự của nước này trong khu vực.
Về phía Ukraine, 50 xe bọc thép đã xuất hiện tại thành phố phía tây Lviv hôm qua. Bộ Quốc phòng nước này cho biết, những chiếc xe bọc thép nói trên tham gia một cuộc
tập trận đã được lên kế hoạch trước. Nhưng theo các nhân chứng, có một số đơn vị xe bọc thép và xe tải chở lính đang hành quân, đoàn xe bọc thép đã ra khỏi thành phố Lviv, di chuyển từ khu vực ngoại ô Zhytomyr về hướng Perekov thuộc Crimea. Thông tin này chưa được Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận trong khi cơ quan báo chí của bộ này đã ngừng trả lời các cuộc điện thoại.
|
Đoàn xe bọc thép Ukraine.
|
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin và các lãnh đạo phương Tây vẫn bế tắc về giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc điện đàm ngày 9/3 với Tổng thống Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới về việc Crimea gia nhập Nga là vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế.
Bà Merkel cũng tỏ ý lấy làm tiếc về việc không có bất kỳ tiến triển nào trong việc thành lập “một nhóm tiếp xúc quốc tế”, cơ cấu có thể giúp tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trước đó, hôm 6/3, bà Merkel cho biết nếu nhóm tiếp xúc quốc tế không được thành lập trong những ngày tới và không có tiến triển trong đàm phán với Nga, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt như hạn chế đi lại và đóng băng tài khoản.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm với bà Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Putin cáo buộc, giới lãnh đạo mới ở Kiev đã thất bại trong việc kiềm chế “các lực lượng cấp tiến và dân tộc chủ nghĩa cực đoan”. Bất chấp sự phản đối của phương Tây, ông Putin khẳng định chính quyền thân Nga ở Crimea tổ chức trưng cầu ý dân ngày 16/3 tới là hợp pháp và đây là hành động "dựa trên luật pháp quốc tế ". Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo, mọi biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ "chắc chắn sẽ phản tác dụng".
Bạch Dương (tổng hợp)