Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đang có chuyến thăm châu Á kéo dài một tuần, với bài phát biểu chính sách quan trọng tại Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á trong tuần này tại Singapore.
Diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Nhật Bản, chuyến thăm châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ cho “giai đoạn mới” trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.
|
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Ảnh: Washington Post. |
Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan. Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm 30/1, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết mong muốn cải thiện quan hệ với lực lượng đặc nhiệm Indonesia đã bị giới hạn hoạt động gần đây, cũng như các lĩnh vực khác mà hai bên cùng chia sẻ lợi ích.
“Có nhiều lĩnh vực mà chúng ta chia sẻ lợi ích chung. Trong đó có khả năng hợp tác đối phó với chủ nghĩa khủng bố, hợp tác về vấn đề an ninh hàng hải. Bộ trưởng Indonesia cũng nhấn mạnh những thách thức gia tăng tại Biển Đông. Tôi nghĩ Tuyên bố chung hai nước đã đưa ra sẽ là cơ sở cho sự hợp tác song phương thời gian tới”, ông Ryacudu nói.
Mỹ đã dừng hợp tác với quân đội Indonesia, bao gồm các lực lượng đặc nhiệm có tên là KOPASSUS, vào năm 1998 sau các báo cáo về nhân quyền. Tuy nhiên Mỹ đã nối lại hoạt động hợp tác giới hạn với KOPASSUS vào năm 2010.
Với mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động với lực lượng đặc nhiệm Indonesia, Mỹ đang cố gắng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Indonesia, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố gia tăng thời gian gần đây. Là một quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới và có vị trí chiến lược an ninh quan trọng, Indonesia cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ- Thái Bình Dương của Mỹ.
Chuyến thăm đến châu Á lần này cũng đưa Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đến với hai quốc gia đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Trump đến Nhật Bản, chuyến thăm lần này cũng nhằm “xốc lại” mối quan hệ đồng minh trong bối cảnh chiến lược chính trị và thương mại của Mỹ đang lung lay. Với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, mối lo ngại về Triều Tiên vẫn hiện hữu thì việc thắt chặt mối quan hệ với 2 đồng minh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức của Mỹ trong khu vực. Theo một quan chức Mỹ, đây là một “chuyến thăm để lắng nghe” và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tìm cách trấn an các đồng minh về cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực.
Điều được chờ đợi nhất trong chuyến thăm lần này có lẽ là bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á ở Singapore. Dự kiến Đối thoại Shangrila sẽ là cơ hội để Mỹ một lần nữa khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực, với tuyên bố chi tiết về “giai đoạn mới” trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo một quan chức Mỹ, chiến lược chủ yếu nhằm ngăn chặn sự gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông, Ấn Độ Dương và sự thay đổi cách tiếp cận trong “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do mới” của Mỹ.
Ấn Độ Dương và Biển Đông là các khu vực hải phận quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và đều nằm trong lợi ích của các nước khi đảm bảo sự ổn định và an ninh tại những khu vực này. Đang có một cuộc chạy đua giữa các cường quốc, với hàng loạt các chính sách và tầm nhìn được công bố thời gian gần đây nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này. Với 4 điểm dừng quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng, chuyến thăm châu Á của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa tái khẳng định sự hiện diện cũng như vai trò đi đầu của Mỹ trong cuộc chạy đua maraton tới khu vực chiến lược này.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Phạm Hà/VOV.VN