Trong thông cáo báo chí ra sáng cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước thông tin về vụ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Paracel (Hoàng Sa) trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố hàng hải trái pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
|
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Kể từ khi bùng phát đại dịch toàn cầu viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Spratly (Trường Sa).
Thông cáo khẳng định, "tháng 7/2016, cái gọi là Đường Chín đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên hợp quốc coi là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ có chung quan điểm này".
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19, đồng thời chấm dứt ngay việc lợi dụng sự sao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác hòng mở rộng các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN. |
Trước đó, ngày 3/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Ngày 3/4/2020, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, ngày 3/4/2020, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin Tức