Trong thông điệp đầu năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói Bình Nhưỡng “sẽ tiến hành các nỗ lực khó khăn để khai triển các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương”.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói Bình Nhưỡng “sẽ tiến hành các nỗ lực... triển khai các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương”. |
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Thống nhất ở Seoul Jeong Joon-hee hôm 4/1 tuyên bố hiện thời, Hàn Quốc chưa có kế hoạch tiến hành bất cứ cuộc đàm phán mới nào với Bình Nhưỡng.
Thay vào đó, ông Jeong Joon-hee phản bác lời chỉ trích gay gắt của ông Kim Jong-un nhắm vào Hàn Quốc, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi mục tiêu tái thống nhất trong hòa bình của Tổng thống Park Geun-hye là một hình thức trá hình đòi “thay đổi chế độ” ở miền bắc.
Theo đài VOA, sau các cuộc đàm phán liên Triều bị đổ vỡ hồi tháng 12/2015, Seoul dường như có lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Hai ngày đàm phán cấp cao hồi tháng 12/2015 đã không đạt được tiến bộ về các dự án khiêm tốn, phi chính trị như mở các cuộc đoàn tụ thường xuyên cho các gia đình bị ly tán khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và tiếp tục các hoạt động du lịch xuyên biên giới.
Sau đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói rằng tình trạng thiếu lòng tin giữa hai miền Triều Tiên đã gây khó khăn đáng kể cho mọi cuộc đối thoại. Ông Yun Byung-se hạ thấp khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa bà Park Geun-hye và ông Kim Jong-un cho đến khi Triều Tiên hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích về Triều Tiên Kim Yong-hyun của trường Đại học Dongguk ở Seoul cho rằng với các cuộc bầu cử quốc hội dự kiến tổ chức vào tháng 4/2016, chính quyền của bà Park Geun-hye không muốn mất lá phiếu của những người ủng hộ bảo thủ, khi tham gia các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng vốn gây nguy cơ về mặt chính trị.
Nhà phân tích Kim Yong-hyun nói: “Vào thời điểm này, khó mà tạo được một bầu không khí để tiến hành các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên”.
Minh Châu (TH)