|
Triển vọng đạt được COC xem ra vẫn còn khá mờ mịt.
|
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 14/9-15/9 ở Tô Châu, Trung Quốc tuyên bố tiến trình đi đến bộ quy tắc để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải) phải diễn ra một cách "dần dần".
Tối Chủ Nhật (15/9), Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông cáo: "Tất cả các bên tại cuộc gặp... đã thống nhất sẽ dần dần mở rộng đồng thuận và thu hẹp khác biệt... đồng thời tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc nghị trình thảo luận về bộ quy tắc".
ASEAN đã nỗ lực đối thoại đàm phán COC với Trung Quốc cả mười năm nay, nhưng giới học giả quốc tế nhận xét COC là mục tiêu khó khăn, thậm chí một số người còn cho rằng đó là mục tiêu không thể đạt được.
Hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở Tô Châu thống nhất "tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả" Tuyên bố chung giữa các bên liên quan về Biển Đông (DOC) và giao cho một nhóm công tác chung hỗ trợ các quan chức trong tiến trình trao đổi xây dựng COC.
Tuy nhiên không có thời gian biểu nào được đưa ra.
Đáng chú ý là bên cạnh việc họp với khối ASEAN, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành vi đơn phương nhằm vào các quốc gia riêng lẻ trong khối, nhất là Philippines - nước đã kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc hôm 16/9 cáo buộc Manila là tìm cách làm "gián đoạn tham vấn ASEAN-Trung Quốc".
Trong bài xã luận đăng hôm 16/9, China Daily viết: "Lập trường thiếu trách nhiệm của Manila sẽ chỉ khiến Philippines ngày càng bị cô lập trong khu vực vì xu hướng không thể đảo ngược hiện nay là tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) thông qua tham vấn và hợp tác song phương".
Có thể thấy đến giờ phút này Bắc Kinh vẫn bám lấy lập trường cũ là chỉ đàm phán song phương với các bên tranh chấp.
Năm ngoái, Trung Quốc đã giành kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines và đang lăm le chiếm nốt Bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa mà Manila cũng tuyên bố chủ quyền.
Văn Bình (theo BBC News)