Bầu cử Đức: Đảng của Thủ tướng Merkel thắng lớn

Google News

(Kiến Thức) - Kết quả thăm dò sau bầu cử cho thấy Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) có thể giành được đa số tuyệt đối để đơn phương thành lập chính phủ.

Liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 22/9/2013.
Kết quả thăm dò của đài truyền hình ARD cho thấy trong cuộc bầu cử ngày 22/9, CDU/CSU có thể giành được 302 ghế trong tổng số 598 ghế trong quốc hội.
Theo kết quả thăm dò của NN & PTNT, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đối tác liên minh của CDU/CSU trong chính phủ Đức hiện hành - chỉ giành được 4,6-4,9% tổng số phiếu và có khả năng không vượt “rào cản” 5% để lọt vào quốc hội mới.
Trong khi đó, đảng đối lập lớn nhất là Đảng Dân chủ Xã hội ( SPD ) giành được 25,6%số phiếu. Đảng Xanh, đồng minh ưa thích của SPD, giành 8,0% và Đảng Cánh tả cũng giành được 8.0%.
Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel (CDU) tuyên bố đảng của bà đã giành được một “siêu chiến thắng”. Trong cuộc vận động bầu cử, bà Merkel từng nói: "Tôi yêu cầu mọi người trong nước Đức trao cho tôi một sứ mạng mạnh mẽ để tôi có thể tiếp tục phục vụ nước Đức thêm bốn năm nữa, vì một nước Đức mạnh hơn, một quốc gia được tôn trọng ở châu Âu, trong đó nước Đức có thể bảo vệ các lợi ích của mình và đồng thời còn là một người bạn của rất nhiều quốc gia".
Thành công nhất của Thủ tướng Merkel, theo một chuyên gia Đức tại Berlin, là lĩnh vực  kinh tế. Trong khi các nước Châu Âu khác, kể cả Pháp, đang phải điêu đứng vì vấn đề nợ công và thất nghiệp, kinh tế Đức lại hầu như không bị ảnh hưởng. Và cũng chính vì kinh tế Đức không bị khủng hoảng, Thủ tướng Merkel mới tỏ ra khắt khe trong việc cứu giúp các nước lâm nguy. Bởi vậy, ở các nước Châu Âu khác, bà Merkel không được yêu thích, nhưng ở Đức bà lại rất được lòng dân.
Kết quả bầu cử Quốc hội Đức cho thấy CDU/CSU có thể một mình lãnh đạo đất nước, điều chỉ xảy ra có một lần trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức dưới thời cố Thủ tướng Konrad Adenauer trong năm 1957.
Cũng có thể, Liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) có thể tìm kiếm các đảng nhỏ khác để tạo thành một liên minh rộng hơn nhưng mong manh hơn.
Lê Chân (theo Xinhua)