Anh dỡ bỏ bức tượng nhà buôn nô lệ Robert Milligan

Google News

Anh quyết định dỡ bỏ bức tượng nhà buôn nô lệ Robert Milligan từng được đặt bên ngoài bảo tàng London Docklands.

Bảo tàng London Docklands cho biết bức tượng nhà buôn nô lệ Robert Milligan, người từng sở hữu 2 trang trại trồng mía và 526 nô lệ tại Jamaica, đã được đặt bên ngoài bảo tàng này trong một khoảng thời gian dài, theo BBC.
“Bảo tàng nhận thức được rằng bức tượng là một phần của chế độ nô lệ đáng bị lên án. Việc tiếp tục trưng bày bức tượng là hành động xem nhẹ nỗi đau của cộng đồng người da màu”, bảo tàng London Docklands cho biết.
Anh do bo buc tuong nha buon no le Robert Milligan
 Anh quyết định dỡ bỏ bức tượng người buôn bán nô lệ Robert Milligan. Ảnh: BBC.
Khi bức tượng Robert Milligan bị dỡ bỏ, hàng nghìn người cũng tập trung bên ngoài Đại học Oxford để yêu cầu giới chức dỡ bỏ tượng doanh nhân, nhà chính trị theo chủ nghĩa đế quốc Cecil Rhodes.
Thị trưởng thành phố London, Sadiq Khan, cũng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát mọi bức tượng và tên đường phố để tìm mối liên quan đến chế độ nô lệ. Ông Khan cho rằng London sẽ phải đối mặt với “một sự thật không mấy dễ chịu” vì có lịch sử gắn với nô lệ.
Cũng theo ông Khan, London là “một trong những thành phố đa sắc tộc nhất thế giới”. Song phong trào biểu tình Black Lives Matter (tạm dịch: mạng sống người da đen đáng giá) cho thấy nhiều bức tượng, tên đường phố có liên hệ mật thiết đến thời kỳ nô lệ đen tối.
Anh do bo buc tuong nha buon no le Robert Milligan-Hinh-2
 Việc dỡ bỏ tượng Robert Milligan diễn ra trong bối cảnh phong trào chống nạn phân biệt chủng tộc bùng nổ tại nhiều quốc gia. Ảnh: The Independent.
“Thật không dễ chịu gì khi phải thừa nhận việc buôn bán nô lệ đóng góp một phần lớn vào sự thịnh vượng của nước Anh và của London. Song sự đóng góp của cộng đồng người da màu đã bị bỏ qua một cách có chủ ý”, ông Khan cho biết.
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh phong trào chống nạn phân biệt chủng tộc bùng nổ tại nhiều quốc gia.
Trước đó vào ngày 25/5, người Mỹ gốc Phi George Floyd đã bị một sĩ quan cảnh sát ghì đầu gối lên cổ, dẫn đến ngạt thở và tử vong. Sau cái chết của nạn nhân Floyd, nước Anh ghi nhận 200 cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc.
Theo Uyên Uyên/Zingnews.vn