Ngày 7/6, khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức bầu 5 Ủy viên không thường trực mới của HĐBA LHQ tại thành phố New York, Mỹ.
6 ứng cử viên cho 5 vị trí lần này bao gồm Việt Nam, Estonia, Niger, Rumani, Saint Vincent and the Grenadines, và Tuinisia. Mỗi ứng cử viên phải nhận được ít nhất 2/3 số phiếu, tương đương với 129 phiếu nếu toàn bộ 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tham gia bỏ phiếu.
Việt Nam là đại diện duy nhất cho nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí này và đang có cơ hội rất lớn để một lần nữa đảm đương vai trò của một nước ủy viên không thường trực cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
|
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: IT. |
Trước đó, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Trong 2 năm ngồi "ghế nóng", Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc.
Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia 1.500 cuộc họp; hai lần làm Chủ tịch tháng của HĐBA (tháng 7/2008 và tháng 10/2009); xây dựng Báo cáo năm về công việc của HĐBA; soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua 1 Nghị quyết về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Ngoài ra, với tư cách đại diện Châu Á, các vấn đề ở khu vực như hạt nhân Iran và vấn đề Triều Tiên…đều được Việt Nam quan tâm.
Những đóng góp thực chất, tích cực của Việt Nam trong vai trò này đã được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
“10 năm trước, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Thời điểm đó, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt là việc ủng hộ Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của Liên Hợp Quốc", ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho hay.
Mời độc giả xem thêm video: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về Syria (Nguồn: VTC14)
Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cũng đánh giá cao các đóng góp của Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua.
Sự thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên đã tạo uy tín cho Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ bằng văn bản và qua lời nói để Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc từ năm 1977. Năm 1997, Việt Nam lần đầu tiên có được những dấu ấn tại Liên Hợp Quốc khi trúng cử vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (khóa 52, 1997-1998), đồng thời là thành viên của Hội đồng Kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 1997-1998.
Việt Nam đã tạo nên những chuỗi thành công lớn trong ngoại giao đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, với việc trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016); thành viên của ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018; Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 và Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2021.
Thiên An (T.H)