5 vụ cướp ngân hàng hài hước nhất trên thế giới

Google News

Trao nhầm súng, để lại tên và địa chỉ, đưa số điện thoại cho nạn nhân là những hành vi ngớ ngẩn mà một số tên cướp mắc phải khi chúng cướp ngân hàng.

Trao súng cho nạn nhân

Cướp của hay lấy trộm tài sản là một công việc căng thẳng nên tội phạm dễ mắc sai lầm. Nguy cơ mắc sai lầm càng cao nếu chúng chọn những mục tiêu nổi tiếng như ngân hàng Halifax ở thành phố London.

Ngày 22/10/2011, một gã đàn ông bước vào ngân hàng Halifax với một khẩu súng và túi. Hắn yêu cầu thủ quỹ nộp 700.000 bảng bằng tiền mặt. Sau đó tên cướp định đưa túi để thủ quỹ nhét tiền vào đó. Nhưng hắn nhầm lẫn và đưa khẩu súng thay vì túi, Telegraph đưa tin.
 Hình ảnh tên cướp ngân hàng Halifax hôm 22/10/2011 từ một camera giám sát trên phố trước khi hắn thực hiện vụ cướp. Ảnh: Telegraph.
 
Cả tên cướp ngân hàng lẫn thủ quỹ đều bối rối trong vài giây. Sau đó tên cướp cố gắng giật lại súng, song thủ quỹ cũng đã trấn tĩnh và chĩa khẩu súng vào hắn. Mặc dù vậy, tên cướp vẫn lao ra ngoài, nhảy lên một xe đạp và phóng đi. Rốt cuộc, chiến lợi phẩm của hắn là xe đạp của một nhân viên trong ngân hàng Halifax.

Nhà chức trách tuyên bố họ sẽ thưởng 25.000 bảng cho người cung cấp thông tin có thể giúp cảnh sát bắt tên cướp. Họ cũng công bố ảnh tên cướp mà camera giám sát trên phố ghi lại trước khi hắn cướp ngân hàng.

Để lại tên và địa chỉ sau khi cướp 


Hồi tháng 12/2008, một gã đàn ông bước vào một chi nhánh ngân hàng Fifth Third ở thành phố Chicago, Mỹ. Hắn xông tới quầy giao dịch và đưa một mảnh giấy với nội dung là hắn sẽ bắn nếu nhân viên ngân hàng không giao tiền. Sau khi nhận 397 USD, tên cướp rời khỏi ngân hàng. Lật mặt sau của tờ giấy mà tên cướp bỏ lại, nhân viên ngân hàng phát hiện nó là một cuống hóa đơn, với tên và địa chỉ của hung thủ, Daily Herald đưa tin.

Nhờ thông tin trên cuống hóa đơn, các đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ xác định thủ phạm là Thomas Infante, 40 tuổi. Tên cướp ngân hàng đãng trí ngụ tại thị trấn Cary, bang Illinois. 

Gọi điện thoại tới ngân hàng trước khi cướp

Ngày 20/3/2010, Albert Bailey và một đồng phạm tuổi vị thành niên quyết định cướp một ngân hàng ở thành phố Fairfield, bang Connecticut, Mỹ. Trước khi hành sự, Bailey gọi điện thoại tới ngân hàng để báo họ biết rằng chúng sắp cướp tiền. Mục đích của hắn là giúp ngân hàng có nhiều thời gian để chuẩn bị tiền và khi hai tên tới, chúng chỉ việc lấy tiền rồi bước ra ngoài.
Albert Bailey, tên cướp 27 tuổi. Ảnh: Sở Cảnh sát Fairfield.  

Vài phút sau cuộc gọi, Bailey phái tên đồng phạm tới ngân hàng cùng một tờ giấy (có lẽ để hạn chế nguy cơ nhầm lẫn, chẳng hạn như các nhân viên ngân hàng đang chờ một tên cướp khác). Một nhân viên ngân hàng liên lạc với cảnh sát qua điện thoại và báo cho họ mọi diễn biến.

Hai tên cướp đòi 100.000 USD, nhưng chúng chấp nhận số tiền nhỏ hơn (99.100 USD). Sau đó chúng bước ra ngoài và rơi vào tay cảnh sát ngay lập tức, CNN đưa tin. 

Kẻ điếc cướp ngân hàng

Vào tháng 8/1995, gã đàn ông Klaus Schmidt bước vào một ngân hàng ở thành phố Berlin, Đức với khẩu súng lục để cướp. Đó là cảnh tượng điển hình đối với một vụ cướp ngân hàng. Tuy nhiên, một số nhân viên ngân hàng nhận thấy tên cướp hành động khá lạ lùng. Chẳng hạn, khi một người hỏi Klaus rằng hắn cần túi để đựng tiền hay không thì hắn đáp lại: "Mày nói đúng, đây là súng thật đấy". Câu ấy khiến mọi người nhận ra Klaus mất khả năng nghe, CBS News đưa tin.

Lợi dụng yếu điểm của tên cướp, một nhân viên nhấn chuông báo động. Klaus chẳng phản ứng sau hành động ấy. Ngay cả khi chuông báo động kêu vang và cảnh sát tới ngân hàng, tên cướp vẫn bình tĩnh và kiên nhẫn, thỉnh thoảng thốt ra những lời hăm dọa. Cảnh sát nhanh chóng bắt Klaus. Tuy nhiên, tên cướp điếc lại tìm ra một cách để biến điểm yếu thành lợi thế. Hắn kiện ngân hàng vì ngược đãi người tàn tật.

Đưa số điện thoại cho nhân viên ngân hàng

Ruben Zarate, một thanh niên 18 tuổi, muốn cướp một cửa hàng bán ống xả ôtô tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ vào năm 2008. Hắn bước vào cửa hàng với một khẩu súng và đòi tiền, Chicago Tribune cho hay. Tuy nhiên, vấn đề là phần lớn tiền nằm trong két sắt - thứ mà chỉ người quản lý mới có thể mở, trong khi người quản lý không ở đó. Tên cướp quyết định rằng hắn sẽ quay lại để cướp vào dịp khác. Để tiết kiệm thời gian, hắn đưa số điện thoại di động cho những nhân viên cửa hàng để họ gọi hắn khi người quản lý trở về.

Tất nhiên, những nhân viên trong cửa hàng gọi cảnh sát. Một nhóm cảnh sát tới và hướng dẫn họ gọi Zarate. Khi tên cướp tới, hắn thấy nhiều cảnh sát mặc thường phục đang chờ. Một cuộc đấu súng ngắn ngủi diễn ra và Zarate sa lưới sau khi bị thương ở chân.
Theo Zing News