Không cứu nổi mình thì làm sao cứu nổi dân
Về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ vẫn canh cánh trong lòng, bèn cử quan Lưu thủ Nguyễn Văn Phương đem thư đến mời Nguyễn Thiếp với lời lẽ rất trọng thị:
"Phu tử là danh sĩ hơn đời, vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao... Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi".
Nguyễn Thiếp lại viết thư từ chối, nhưng Nguyễn Huệ vẫn không nản. Ngay tháng sau, ông lại cử Thượng thư bộ Hình là Hồ Công Thuyên lên đón Nguyễn Thiếp. Trong thư lần này có đoạn tự nhận khiếm khuyết về phần mình:
"... Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà, nhưng không chịu thân hành đến chào đón. Đối các bực xưa như kẻ chăm chắm ba lần tới đón, như kẻ thành cẩn ba lượt tìm mời thì khác xa...". Sau đó ở đoạn kết, Nguyễn Huệ viết rất chân tình:
"Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm".
Nguyễn Thiếp vẫn "kiên trì" khước từ, vì "ốm yếu quanh năm, tự thân không cứu nổi mình thì cứu sao được dân".
Khi quân Thanh kéo vào xâm lược bờ cõi, Nguyễn Huệ đã xưng Hoàng đế, danh chính ngôn thuận đứng ra gánh vác trọng trách cứu nước, cứu dân. Cuộc hành quân cấp tập từ Phú Xuân đến Nghệ An chỉ mất bốn ngày. Dừng chân tại đây để duyệt đội ngũ, một lần nữa vua Quang Trung lại khẩn cầu mời Phu tử đến bàn kế cứu nước. Lần này Nguyễn Thiếp đương nhiên không thể làm ngơ, lập tức xuống núi.
Khi được hỏi kế sách, Nguyễn Thiếp đã tâu bày: "Nay trong nước trống không, lòng người li tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua mươi ngày là giặc Thanh sẽ tan".
Lời của Nguyễn Thiếp rất phù hợp với ý định của Quang Trung. Và quả nhiên, cuộc kháng chiến chống Thanh đã thắng lợi nhanh chóng đúng như tiên đoán của Phu tử.
|
Cảnh Nguyễn Huệ gặp Nguyễn Thiếp bàn việc đại sự trong phim Tây Sơn Hào Kiệt. Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Làm viện trưởng đầu tiên của Viện Sùng Chính
Sau ngày đại thắng, Quang Trung đã gửi thư cho La Sơn Phu tử, nhắc lại: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật".
Quang Trung cho rước mời Phu Tử vào kinh đô Phú Xuân. Vì tuổi già, Nguyễn Thiếp được nhà vua bằng lòng cho về làm việc ở gần quê nhà. Việc trước nhất là làm chánh chủ khảo cuộc thi Hương đầu tiên của triều Tây Sơn tại Nghệ An năm 1789. Nguyễn Thiếp cũng được tin cậy tìm chọn người hiền tài ra giúp triều đại mới. Sau đó, nhà vua giao cho Phu tử đặc trách về giáo dục như ý nguyện của ông. Năm 1891, nhà vua ban chiếu lập Sùng Chính viện và cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Sùng Chính viện được xây dựng ngay tại quê hương của Phu tử.
Với cương vị này, theo ý chỉ của vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp đã bàn thảo kế sách phục hưng văn hóa và giáo dục nước nhà, lấy chữ Nôm làm ngôn ngữ chính thống. Trong một thời gian ngắn, Viện Sùng Chính đã tiến hành dịch các trước tác kinh điển từ tiếng Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch...
Dĩ Nguyên