Sau đây là những năm Tỵ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu đậm nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Tân Tỵ (981): "Đánh cho tỏ mặt anh hùng. Đánh cho Tống địch cùng đường chạy xa"
Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám hại nơi sân điện Hoa Lư, Đinh Toàn ở tuổi lên 6 lên nối nghiệp họ Đinh. Nhưng khổ nỗi, tuổi vua còn nhỏ, nhà Tống nhân cơ hội đó lăm le khởi binh Nam tiến thôn tính Đại Cồ Việt. Trước họa ngoại xâm lơ lửng trên đầu, Thái hậu Dương Vân Nga sau khi biết “Dưới trên thay thảy đều nghe, Bèn tôn Thập đạo thay vì Nhị Đinh” (Theo Thiên Nam ngữ lục). Chiếc áo long cổn được khoác lên người vị Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn tháng 7 năm Canh Thìn (980) để củng cố lòng dân kháng chiến chống xâm lược Tống.
|
Bản đồ chiến thắng Chi Lăng - Bạch Đằng 981. |
Chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng Nam tiến, đến tháng 2 năm Tân Tỵ (981) nhân dịp tiết Xuân, thời tiết mát mẻ hợp với thuỷ thổ, quân Tống tràn sang nước ta.
Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng”. Vua Lê Đại Hành tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Thương đoạn Chi Lăng. Lại sai người trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo lơ là, bắt được y rồi đem chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin quân thuỷ thua trận bèn quay đầu dẫn quân về, Lê Đại Hành đem quân đánh đuổi, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Đất nước nhờ đó mà được yên.
Kỷ Tỵ (1149): "Vân Đồn lập trấn giao thương. Mở mang ngoại nghiệp phú cường đất Nam"
Ngày nay, Vân Đồn là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nhưng ngược về thời xưa, chúng ta biết rằng Vân Ðồn, hay đồn mây bắt nguồn từ tên gọi của Vân sơn thuộc làng Vân, nay thuộc xã Quan Lạn nằm trong tuyến đảo ngoài Vân Hải. Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên thời Tiền Lê đã có đồn Vân nhằm trấn giữ vùng biển Đông Bắc của sơn hà Đại Cồ Việt.
Sang thời nhà Lý đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), nhận thấy vị trí không chỉ là tiền đồn của đất nước trong quan hệ lãnh hải với phương Bắc, mà Vân Đồn còn có một vị trí thuận cho giao thương, buôn bán, tiện cho thuyền bè qua lại, neo đậu. Bởi thế mà trang Vân Đồn được thành lập.
Trong Việt sử cương mục tiết yếu của Đỗ Xuân Bảng thời Nguyễn, việc này được chép lại: “Kỷ Tỵ, Đại Định năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, đặt trang Vân Đồn (nay là tổng Vân Hải, huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên). Bấy giờ thuyền buôn các nước Trảo Oa (tức nước Chà Và, còn có tên là Hạ Cảng – tức đảo Java), Xiêm La (ở phía Nam Gia Định, tức hai nước Xiêm La và La Giải, thời Minh đổi thành Xiêm La) tụ tập nhiều ở Hải Đông liền dựng trang ở hải đảo cho họ cư trú”. Nhờ việc làm năm Kỷ Tỵ, Vân Đồn dần dần phát triển mạnh, trở thành thương cảng lớn ở phía Bắc đất nước suốt thời Lý, Trần và Lê sơ, chứng thực cho sự phát triển của hoạt động ngoại thương ở đất nước trọng nông Đại Việt thời bấy giờ.
Đinh Tỵ (1257) : "Đánh quân Mông Cổ tham tàn. Ức vạn muôn ngàn dân đứng lên theo"
Thời nhà Trần, dòng họ Đông A ba lần liên tiếp đối đầu với quân Mông – Nguyên, được xem là loại giặc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ khi tung hoành khắp Á – Âu. Vậy nhưng, khi tiến xuống phương Nam, xâm lược một đất nước nhỏ như cái đấu Đại Việt, quân Mông Cổ đã phải dừng bước. Và mở đầu cho chuỗi chiến thắng oanh liệt của quân dân Đại Việt thời Trần, chính là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất vào năm Đinh Tỵ (1257).
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, vào tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai sau khi thôn tính nước Đại Lý (thuộc Vân Nam, Trung Hoa) liền tràn vào nước ta theo đường sông Thao. Vua Trần Thái Tông tự mình cầm quân chống giặc. Nhưng thế giặc mạnh như tằm ăn rỗi, quan quân phải rút lui. Để củng cố lòng tin đánh giặc, vua Trần Thái Tông nhận được câu trả lời quả quyết của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng nghĩ đến chuyện khác cho phiền lòng”. Chỉ trong một thời gian ngắn, vua tôi nhà Trần đã làm nên chiến thắng Đông Bộ Đầu, đánh đuổi quân Mông chạy dài về Bắc. Kẻ thù dọc ngang khắp nơi, nhưng đã phải trở thành “giặc Bụt” khi xâm lược Đại Việt không thành.
Nhờ chiến thắng Đông Bộ Đầu cuối năm Đinh Tỵ (1257), đất nước Đại Việt có được mùa xuân thái bình ngay sau đó, tạo bàn đạp tinh thần và lực lượng vững chắc để về sau đối đầu với quân Nguyên trong hai lần xâm lược gần 40 năm sau. Và đến năm Ất Tỵ (1305), đất nước lại có một tin vui khác.
Ất Tỵ (1305): "Đại Việt mở cõi về Nam. Huyền Trân công chúa bà hoàng nước Chiêm"
Trong không khí thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Nguyên năm Ất Dậu (1285) và Mậu Tý (1288), quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành ngày càng trở nên hữu hảo, bền chặt, như Thiên Nam minh giám có viết:
Dẹp được Lao lấy đâu đâu,
Chiêm Thành tiến phụng về chầu quốc gia.
Thiên hạ vầy nên một nhà,
Thông đường buôn bán gần xa đi về.
Sau cuộc kinh lý Chiêm Thành của Thượng hoàng Trần Nhân Tông năm Tân Sửu (1301), mối lương duyên giữa công chúa Đại Việt Huyền Trân và vua Chiêm Chế Mân được ấn định. Bốn năm sau, vào năm Ất Tỵ (1305), cuộc hôn nhân Việt – Chiêm được chính thức tiến hành.
|
Đám cưới Chế Mân và công chúa Huyền Trân. |
Sử cũ thuật lược rằng: “Tháng 2, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn” (Trích
Đại Việt sử ký toàn thư). Ngoài những vàng bạc, châu báu, thức ngon, vật lạ dâng tiến để mong có sự tác thành của triều đình Đại Việt, vua Chiêm Chế Mân đồng thời thể hiện thiện ý của chàng rể Đông sàng (rể ngồi giường phía Đông, ý là rể quý) dâng cả hai châu Ô và châu Lý nằm ở phía Bắc đất nước hoa Champa làm lễ vật dẫn cưới.
Xét về cương vực, trong Đất nước Việt Nam qua các đời của học giả Đào Duy Anh, châu Ô và châu Lý (hay châu Rí) chính là đất Thuận Hóa: “Thuận Hóa gồm có Thuận Châu và Hóa Châu, tương đương với đất Ô và châu Lý của Chiêm Thành nhường cho nhà Trần, tức là miền Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay”.
Dù cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân bị nhân gian cũng như nhiều quan lại nhà Trần không đồng ý, nhưng cũng nhờ cuộc hôn nhân hiếm có trong lịch sử dân tộc, lãnh thổ Đại Việt đã kéo dài về Nam mà không mất mũi tên, ngọn giáo nào:
Công chúa được gã cho Lồi (tức Chiêm Thành - tác giả),
Quảng Nam tứ hải sính tài của tin.
(Theo Thiên Nam minh giám)
Quý Tỵ (1533): "Lê triều nghiệp đế Trung hưng. Hai phương Nam – Bắc nước từng phân chia"
Hết thời nhà Trần, họ Hồ nối nghiệp 7 năm, đất nước sau một thời gian có sự hiện diện của ngoại bang bước sang thời kỳ phát triển cực thịnh với triều Lê sơ. Nhưng lên cao trào thịnh trị cũng có lúc phải suy vi như con tạo xoay vần. Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung lật đổ vua Lê Cung Hoàng, lập nên nhà Mạc. Tuy nhiên, sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê cũng ngay liền đó được tiếp nối với vua Lê Trang Tông. Đó là năm Quý Tỵ (1533), tức cách Quý Tỵ (2013) ngày nay chẵn 480 năm.
Sự nghiệp Trung hưng nhà Lê được Đại Việt sử ký tiền biên ghi: “Quý Tỵ (1533). Mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai Lao (nước Lào ngày nay – tác giả), đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, lấy trung nhân Đinh Công làm Thiếu Úy Hùng Quốc Công, còn lại, người nào cũng được phong thưởng để họ đồng lòng giúp rập”. Vua Lê Trang Tông với sự kiện lên ngôi ở Ai Lao năm Quý Tỵ (1533) cũng trở thành vị vua đầu tiên và duy nhất trong các vua Việt lên ngôi hoàng đế ở nước ngoài. Thực là:
Cành Lê có độ tái vinh,
Xui nên tá mệnh trời sinh thánh hiền.
Đức vua Triệu tổ ta lên,
Cất quân phù nghĩa giúp nền trung hưng.
(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)
Từ sự kiện trên mà sau đó “khoảng gần 10 năm, dọn dẹp cỏ rậm lập lên triều đình, thế nước lại nổi lên… Rồi đem quân tiến đánh lấy được tất cả đất cát châu Ái, châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An – tác giả), dựng điện ở sách Vạn Lại (Thọ Xuân – tác giả). Các hào kiệt đều theo về cả. Cơ nghiệp trung hưng, thực là bắt đầu từ đây” (Trích Lịch triều hiến chương loại chí phần Nhân vật chí). Với sự kiện Quý Tỵ, nhà Lê Trung hưng được lập nên, tồn tại cho đến năm Kỷ Dậu (1789), nhà Hậu Lê trở thành một triều đại tồn tại lâu dài nhất nước Việt.
Ất Tỵ (1785): "Rạch Gầm, Xoài Mút ghi danh. Sáng gương Nguyễn Huệ, tan tành thuyền Xiêm"
Đây là lần duy nhất chứng kiến sự hiện diện của quân đội phong kiến Xiêm La trên đất nước Đại Việt, và cũng là thất bại đau đớn cho mộng Đông tiến của triều đình phong kiến ngoại bang.
|
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm Ất Tỵ (1785).
|
Số là lúc ấy, chúa Nguyễn Ánh trước thế mạnh của phong trào Tây Sơn do “Tây Sơn tam kiệt” lãnh đạo, đã cầu cứu người Xiêm sang giúp để lấy lại nước. Ngay từ tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), thủy quân Xiêm đổ bộ lên đất Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta với lực lượng hơn 5 vạn. Nhờ lực lượng đông đảo ban đầu, khí thế đang hăng, quân Xiêm giành được ưu thế trên chiến trường Gia Định. Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy nửa năm sau, số phận đạo quân xâm lược ấy được định đoạt nơi Rạch Gầm Xoài Mút của đất Mỹ Tho.
Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài khoảng 6 km, rộng chừng vài km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cỏ rậm rạp và có nhiều kênh rạch được chọn làm nơi quyết định số phận quân xâm lược Xiêm. Hạ tuần tháng Giêng năm Ất Tỵ (1785), gần 4 vạn trong số 5 vạn quân Xiêm rơi vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn mà bỏ mạng. Bộ phận tàn quân còn lại phải tháo chạy lên bờ, trốn sang đất Chân Lạp để tìm đường về Xiêm, không một lần dám quay đầu trở lại. Đúng là:
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh!
Từ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút nơi đất Mỹ Tho ấy, thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn ngày càng mạnh để sau này thanh thế mở rộng ra đến Phú Xuân, Bắc Hà, tạo điều kiện về sau đất nước được thống nhất thành hình chữ S hoàn chỉnh ở triều đại nhà Nguyễn.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Trần Đình Ba