Trợ thủ “bí mật” cho nghĩa quân Lam Sơn

Google News

(Kiến Thức) - Ông quan khai hoang Phan Vân là người có nhiều đóng góp lớn cho cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.

Là vị quan được giao nhiệm vụ trông coi việc khai khẩn đất hoang, Phan Vân đã có nhiều công lao trong việc chiêu dân khai hoang, mở mang đất đai, lập nên vùng đất mênh mông rộng hàng ngàn mẫu ở vùng Yên Thành, Nghệ An. Ông cũng là người có những đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.
Ông quan khai hoang
Phan Vân sinh năm Giáp Thìn (1364) tại xã Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An. Lúc nhỏ Phan Vân là người thông minh, ham học, lớn lên có ý chí, có lòng yêu nước. Năm Đinh Mão (1387), Phan Vân thi đỗ hương cống (cử nhân) được bổ làm chánh sư doanh điền (trông coi việc khai khẩn đất hoang) và giữ chức đó qua ba triều vua: Trần Phế Đế (1377 - 1388), Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Trần Thiếu Đế (1398 - 1400).
Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi của nhà Trần, Phan Vân không hợp tác với Hồ Quý Ly. Ông rời Thăng Long vào Kẻ Rộc, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu khai khẩn đất hoang sinh cơ lập nghiệp.
Tại đây Phan Vân đã tổ chức việc chiêu dân khai hoang. Đất đai đã không ngừng được mở mang. Sau gần 20 năm khai phá diện tích đã lên tới 600 mẫu và lập được chánh sứ đông vui trên một ngọn đồi thoai thoải phía đông đập Bàn Trang. Ngoài sáu trăm mẫu ruộng thượng đẳng điền, Phan Vân còn tổ chức khai hoang một số cánh đồng và trang trại khác như Lôi Thị, Trại Chợ, Trại Dâu, Đồng Lầm, Đồng Cận...
Khu Rộc, Nương Vàng, Đồng Chánh tạo nên một vùng đất mênh mông thẳng cánh cò bay, rộng hàng ngàn mẫu. Để có nước tưới cho những cánh đồng trên, Phan Vân còn tổ chức đắp một số đập nước khác như Đập Bãi, Đập Đầm.
Vùng Trại Dâu là nơi trồng dâu thích hợp, Phan Vân đã truyền cho dân ở đây nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Tranh minh họa. 
Chiến tích quân lương
Phan Vân thấy dân phát triển đông vui, làm ăn phát đạt, cuộc sống ngày càng no đủ. Để tiện việc giao lưu trao đổi các sản vật sản xuất ra và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của nhân dân trong vùng, ông đã chọn mặt bằng cao ráo ở nơi trung tâm thành lập chợ, đó là Chợ Rộc. Ngày nay, khu Chợ Rộc xưa đã phát triển thành thị tứ Rộc, một trung tâm buôn bán lớn ở vùng Yên Thành.
Để nhớ ơn Phan Vân, người có công khai hoang lập ấp và dựng nên khu Chợ Rộc sầm uất, người dân nơi đây đã lập đền thờ ông. Tại đền thờ ông có đôi câu đối: "Lục bách mẫu long hưng cửu kế, chiến tích quân lương, khởi tự triệu cơ khai sơn phá thạch; Kỷ thiên dân lạc nghiệp an cư, thuần phong hậu tục tòng lai kế thế, ngương huệ hàm ân". Nghĩa là: Sáu trăm mẫu kế lâu dài hưng thịnh, chiến tích quân lương, trước tự dựng nền đào núi, phá đá; Mấy ngàn dân cùng lạc nghiệp an cư, thuần phong hậu tục, đời sau nối trước, muôn đội ơn sâu.
Và hằng năm cứ đến ngày mồng mười tháng ba âm lịch các phường buôn bán ở Chợ Rộc đã góp tiền sắm lễ vật cùng nhân dân các xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành làm giỗ Phan Vân rất long trọng.
(Còn tiếp...)
Trịnh Dương