Nhà Nguyễn với một dải Hoành Sơn
Lại nói, Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng là hai con của tướng Nguyễn Kim. Sau khi Nguyễn Kim mất đi, Trịnh Kiểm e ngại hai người em vợ tranh giành quyền lực với mình, đã tìm cách sát hại Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng lo sợ rồi cũng đến lượt mình bị hãm hại, nhưng chưa tìm ra cách nào để thoát khỏi nguy hiểm. Được biết, Trịnh Kiểm cũng đã cho người đến xin lời khuyên của Trạng Trình, Nguyễn Hoàng bèn bí mật cho người thân tín ra Bắc xin kế của Trạng.
Trạng lẳng lặng nghe người kia trình bày về tình trạng khó khăn của Nguyễn Hoàng, không nói gì, khẽ ho rồi chống gậy lững thững bước ra sân. Người kia biết ý cũng bước ra theo. Đến bên hòn non bộ, Trạng đứng ngắm đàn kiến đang leo qua hòn giả sơn mà nói bâng quơ:
- Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.
(Một dải núi Hoành Sơn có thể dung thân được muôn đời)
Nguyễn Hoàng hiểu được ẩn ý trong lời Trạng, bèn tìm đến gặp chị gái là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho mình đi trấn thủ Thuận Hóa. Ngọc Bảo nói thêm với chồng rằng, nhà Mạc thường đem quân theo đường biển đánh vào Nghệ An, nếu được cậu em vào Thuận Hóa trấn giữ sẽ là phên dậu bảo đảm an toàn cho phía Nam của triều đình. Trịnh Kiểm thấy hợp ý, vì cho rằng Thuận Hóa là nơi biên cương tuyệt lộ, đất cằn, người thưa, dù có phản nghịch thì Nguyễn Hoàng cũng chẳng làm nên trò trống gì. Vả đẩy được cậu em đi xa, đỡ phải ngày đêm cứ phải canh cánh đề phòng bị trả thù. Vậy là Trịnh Kiểm bằng lòng, dâng biểu lên vua cử Nguyễn Hoàng đi trấn nhậm xứ Thuận Hóa.
Trịnh Kiểm không ngờ mình đã thả hổ về rừng. Nguyễn Hoàng vào miền trong đã mở mang cơ nghiệp chúa Nguyễn, đối chọi với chúa Trịnh ngoài Bắc, tạo nên tình thế Trịnh - Nguyễn phân tranh sau này.
|
Ảnh minh họa. |
Nhà Mạc được đất Cao Bằng
Dẫu khách quan đứng ngoài thế sự, nhưng dù sao Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là Trạng nguyên của nhà Mạc, từng làm quan dưới triều Mạc, nên cụ vẫn được các vua nhà Mạc tôn trọng và luôn hỏi ý kiến về mọi việc lớn.
Năm Ất Dậu (1585) đã ở tuổi 94, Trạng ốm nặng, thấy mình khó qua khỏi nên thảo một tờ sớ dâng lên vua Mạc Mậu Hợp. Trong sớ có những lời tâm huyết như sau:
"Thần suy tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đã đến hồi tái tạo, ý trời đã định, sức người khó theo. Song nhân giả có thể hỏi thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp của tổ tông, thì thần chết cũng được thỏa lòng".
Vua Mạc Mậu Hợp nhận được sớ lấy làm cảm động, sai phụ chính đại thần Mạc Đôn Nhượng đến tận nơi thăm bệnh và hỏi việc nước sau này. Trạng chỉ nói mấy lời ngắn gọn "Cao Bằng tuy thiểu, khả dung sổ thế", được diễn dịch như sau:
- Ngày sau có biến cố gì, đất Cao Bằng dẫu nhỏ, song cũng có thể hưởng phúc được vài đời nữa.
Bảy năm sau, Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị Trịnh Tùng giết, triều Mạc sụp đổ. Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ còn truyền được thêm bốn đời nữa.
Ngoài những truyền thuyết kể trên, tương truyền Trạng còn để lại những lời thơ tiên đoán nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở nước ta hơn 500 năm về sau nữa. Người đời sau gọi đó là Sấm Trạng Trình.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Dĩ Nguyên