Việc phong vương cho Quang Trung là một thắng lợi ngoại giao vô cùng quan trọng. Với nhà Thanh, đó là sự xác lập quan hệ giao hảo giữa hai nước. Với trong nước, đó là một sự công nhận, xóa bỏ vương triều Lê, Quang Trung chính thức là vua một triều đại mới.
Một thắng lợi ngoại giao quan trọng
Trung tuần tháng Năm, phái bộ nước ta theo Nguyễn Quang Hiển đi sứ. Phái bộ được đón tiếp trọng thể, Tuần phủ Thang Hùng Nghiệp đích thân tháp tùng sứ bộ về Yên Kinh. Đi tới đâu các quan đầu tỉnh đều thết đãi long trọng. Đến cuối tháng Bảy, sứ đoàn ra mắt vua Càn Long khi đó đang ở Nhiệt Hà, cách Yên Kinh 250km. Vua Càn Long mở tiệc thết đãi có mặt đông đủ các hoàng thân quốc thích. Sau đó, trở về Yên Kinh, nhà Thanh tổ chức đại lễ chính thức trao sắc phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Cùng với sắc phong, vua Thanh ban tặng Nguyễn Huệ rất hậu, trong đó có tượng ngọc Quan Âm, cây như ý bằng ngọc, gấm thêu chỉ vàng đính hạt châu... Nguyễn Quang Hiển và các thành viên trong đoàn cũng đều được trọng thưởng.
Đầu tháng Tám năm ấy, nhà Thanh cử Lễ bộ viên ngoại Thành Lâm từ Quảng Châu dẫn một đoàn sứ bộ sang trực tiếp trao sắc phong cho Nguyễn Huệ. Hơn một tháng sau, sứ bộ mới mang sắc chiếu đến Thăng Long, trong khi vua Quang Trung vẫn còn đang ở Nghệ An. Vua ta sai con thứ là Nguyễn Quang Thùy và Đô đốc Ngô Văn Sở đón tiếp sứ giả thay mình. Quang Trung bị cảm ốm chưa ra kịp, sứ Thanh đành phải chờ đợi.
Ngày 14 tháng Mười nhà vua mới ra Thăng Long, ngay hôm sau Thành Lâm đã đến tuyên chiếu chỉ phong cho ông làm An Nam quốc vương. Càn Long vốn là ông vua sính làm thơ đã gửi ngự bút ban khen như sau: "Ai giỏi thắng người chẳng dụng binh/Đánh cho biết sợ, phục tâm thành/Họ Lê đáng xót vì trời ghét/Nhà Nguyễn nên cho hưởng phúc lành/Vốn đã thu này sai cháu đến/Sang năm đã lại tự thân hành/Chân thành đến vậy phiên bang hiếm/Sao nỡ chẳng khen, đặng hiển vinh" (theo Trần Trọng Kim).
Đây là một thắng lợi ngoại giao vô cùng quan trọng. Với nhà Thanh, đó là sự xác lập quan hệ giao hảo giữa hai nước. Với trong nước, đó là một sự công nhận, xóa bỏ vương triều Lê, Quang Trung chính thức là vua một triều đại mới.
|
Tranh minh họa. |
Chuyến đi sứ có một không hai
Tuy nhiên, sang năm Canh Tuất 1790, việc vua ta phải đích thân sang triều kiến nhân dịp "Bát tuần đại thọ" phải ứng phó như thế nào quả là một thách thức không dễ. Trong lịch sử phong kiến, chưa bao giờ vua ta trực tiếp sang sứ, lại là sang nước địch, liệu có mạo hiểm không khi vừa đánh bại họ? Tình hình trong nước cũng chưa bình định xong mà nhà vua vắng mặt thì sao?
Chuyến đi Bắc quốc có một không hai của vua Quang Trung đã diễn ra với nhiều tình tiết thú vị và... bí ẩn.
Phúc Khang An thông báo cho biết, khi sang yết kiến, vua Thanh sẽ phong cho vua ta làm "thân vương", chức vị cao nhất trong triều Thanh, chỉ dưới hoàng đế, "ngang hàng với tông thất ngoại phiên thân vương, xếp hàng cao hơn tông thất ngoại phiên quận vương".
Tháng Hai năm ấy, vua Quang Trung về Phú Xuân thăm mẹ, rồi trở về Nghệ An. Ngày 29 tháng Ba, vua thống lĩnh phái đoàn nước ta từ Nghệ An lên đường. Một phái đoàn lớn chưa từng có trong lịch sử với 150 người, cùng các tướng võ, quan văn cao cấp như Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn... Tất nhiên còn mang theo nhiều cống vật quý hiếm và cả một đôi voi đực.
Nghe tin nhà vua tới Lạng Sơn, Thành Lâm mang dê bò rượu sang úy lạo. Hôm sau (ngày 13 tháng Tư) Phúc Khang An cùng tất cả bá quan văn võ đến cửa Nam Quan đợi sẵn để đón tiếp (vua Quang Trung có đem theo con trai là Nguyễn Quang Thùy cùng đi, nhưng đến đây thì Thùy bị ốm, vua bèn phái Đặng Văn Chân và cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị đưa Thùy trở về - một chi tiết sẽ được nhắc đến sau).
(Còn nữa...)
Dĩ Nguyên