Tiết lộ thú vị về kho giấu lương của nhà Trần

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Hưng Đạo Đại Vương đã khảo sát kỹ địa thế vùng đất “lục khe đầu” để cất giấu kho lương phục vụ kháng chiến.

Hiểm yếu như “lục khe đầu”
“Lục khe đầu” là vùng đất được Trần Hưng Đạo phát hiện khi đi khảo sát địa hình trong công cuộc chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Theo tài liệu do ông Trần Hào Quang, Trưởng ban Văn hóa xã Nhân Đạo (Lý Nhân, Hà Nam) thì đó là vùng đất giao thoa của 6 dòng sông lớn.
Từ đây có thể ngược dòng sông Hồng đi Thăng Long hoặc xuôi dòng về Thiên Trường rồi ra biển. Qua sông Hồng về phía đông khoảng 3 cây số là khu Tam Đường ở Hưng Hà (Thái Bình), nơi đặt lăng mộ của nhà Trần. Về phía Nam 20 cây số là đền Trần – chùa Tháp (Nam Định).
Tam quan đền Trần Thương. 
Theo ông Quang, đất “lục khe đầu” vốn là một vùng hoang vu với những gò cao, cây cối um tùm. Địa thế ấy rất thích hợp để cất giấu quân lương nên Trần Hưng Đạo đã cho đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm đền Trần Thương hiện nay chính là kho lương chính của triều đình nhà Trần.
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Trần Hưng Đạo đã cắm sinh phần tại đây. Vì thế mà dân gian có câu: Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc. Tuy nhiên, việc mộ của Trần Hưng Đạo có thực sự ở đây hay không thì còn là một bí mật. Các nhà sử học cho rằng, việc Trần Hưng Đạo cho cắm sinh phần của mình ở Trần Thương chỉ là cách đánh lạc hướng kẻ thù.
Lại nói về kho lương thực dồi dào của nhà Trần ở “lục khe đầu”. Khi cuộc kháng chiến chấm dứt, Hưng Đạo Đại Vương đã phá kho thóc để phân phát lương thực cho nhân dân. Từ đó, ở Trần Thương có tục phát lương cho dân hàng năm để cầu lộc, cầu an.
Ngôi đền cổ kính Trần Thương được xây dựng sau khi Trần Hưng Đạo qua đời. Cho đến ngày nay, đền Trần Thương được đánh giá là một trong những ngôi đền lớn và giữ gìn được nhiều cổ vật cũng như sắc phong các triều đại.
Giếng rồng. 
Chuyện bây giờ mới kể
Ở đền Trần Thương, rất nhiều chuyện lạ xảy ra nhưng ít khi lan truyền ra khỏi cổng đền. Ông Quang cho rằng, đó là do đặc tính “kín tiếng” của người Trần Thương từ thời Trần Hưng Đạo đặt kho lương và lập ra ngôi làng cổ này. Mọi bí mật đều được người Trần Thương sống để bụng, chết chôn theo.
Một trong những chuyện lạ ấy là cây đa cổ thụ sau hậu cung của đền. Cây đa lớn đến độ hàng chục người ôm không xuể. Dưới gốc cây cổ thụ có những hố lớn ăn sâu xuống lòng đất thông vào trong hậu cung. Trong hốc cây ấy luôn luôn có một con rắn mào khổng lồ canh giữ.
Theo một số cụ cao niên, tận mắt họ đã nhiều lần nhìn thấy con rắn ấy. Kích cỡ của rắn mào bằng thân cây chuối, dài hàng chục mét và có màu xám bạc. Người Trần Thương cho rằng đó là con xà tinh khổng lồ có nhiệm vụ canh giữ sinh phần của danh tướng Trần Hưng Đạo.
Mãi đến năm 1995, cây đa cổ thụ mới bị đổ. Phần gốc bị mục khô nên khi người dân cắm hương vào đó, gốc đa bị cháy âm ỉ khiến phần đất xung quanh bị sụt lún sâu hoắm. Từ đó, không ai còn thấy con rắn mào khổng lồ ấy nữa. 
Chiếc chuông cổ từ thời Trần. 
Ông Trần Hào Quang, Trưởng ban Văn hóa xã Nhân Đạo cho biết: “Năm 2013, khi ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đọc văn trình trong dịp lễ phát lương. Đúng 22 giờ 4 phút thì xuất hiện đám mây ngũ sắc trên bầu trời có hình như bàn tay người. Đến năm vừa rồi, đúng lúc đọc văn trình thì đám mây ngũ sắc ấy lại xuất hiện”.
Đền Trần Thương từng 4 lần bị mất trộm cổ vật quý nhưng đều tìm được. Có lần, khi cổ vật tìm được để tạm dưới gầm giường trong một nhà dân ở Hà Nội, người con của chủ nhà không biết mới nằm ngủ trên đó và đột tử. Khám nghiệm pháp y không tìm ra nguyên nhân cái chết, nhưng các cổ vật gần như tự vỡ vụn.
Đôi kiếm bạc chém Phạm Nhan
Hiện nay, trong đền Trần Thương còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý cũng như các sắc phong vua chúa ban. Đặc biệt, trong số cổ vật có đôi kiếm bạc huyền thoại mà Trần Hưng Đạo đã dùng để chém phù thủy Phạm Nhan.
Các sách Công dư tiệp ký, Tang thương ngẫu lục, Việt điện u linh tập lục toàn biênNgọc phả nhà Trần đều chép rằng Phạm Nhan có cha là dân buôn gốc Quảng Đông, sang ta lấy vợ người làng An Bài, Đông Triều (Quảng Ninh). Khi lớn, Phạm Nhan theo cha về Tàu, có học thức lại giỏi pháp thuật nên thường được vời vào triều chữa bệnh cho cung nữ. 
Vì hám sắc nên Phạm Nhan thường giả dạng nữ để tư thân với các cung nữ. Việc bại lộ, Nhan bị vua Nguyên ra lệnh trảm quyết. Phạm Nhan xin lập công chuộc tội, làm hướng đạo dẫn quân sang chiếm nước ta. Nhờ tà thuật cao siêu nên nhiều trận chiến, giặc đã phá được các trại quân ta. Các tướng như Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa phải bẩm báo lên Trần Hưng Đạo.
Hưng Đạo Đại Vương truyền kế: “Hai ngươi cho quân sĩ trữ sẵn đồ dơ bẩn, phục hai bên núi, ngày mai ta đánh giặc. Khi nào giặc dùng đến yêu thuật, có âm binh trên không kéo xuống thì cho quân sĩ từ trên đầu núi phóng uế xuống, tất phá được”. Hai tướng liền chứa sẵn máu chó, máu dê vẩy ra, tức thì khí mù tan hết, giông gió liền tạnh, rồi thấy người ngựa khí giới toàn bằng cỏ gà và giấy nứa tả tơi rơi xuống đất. Sau trận thua đó, Phạm Nhan liền dùng phép thuật khác để cướp trại Vạn Kiếp. 
Trong túi lương có dấu ấn và ngũ cốc. 
Để bắt được Phạm Nhan, Trần Hưng Đạo phải lập đồ trận cửu cung bát quái kết hợp với thanh thần kiếm. Phạm Nhan dẫn 500 quân đánh ở mặt chính Đông, Hưng Đạo Đại Vương cầm thanh thần kiếm, niệm chú mấy câu rồi cầm lá cờ vàng phất lên. Phạm Nhan phải dùng đến phép độn giáp tàng hình để biến mất, còn 500 quân thì bị chết và bắt sống hết. 
Trần Hưng Đạo sai Yết Kiêu đi đục thuyền bắt Phạm Nhan, nhưng cứ bắt được thì lại biến mất. Trần Hưng Đạo dặn: “Phải trữ sẵn chỉ ngũ sắc, chờ khi bắt được thì dùng chỉ quấn vào mình nó”. Quả nhiên bắt được đem về, Phạm Nhan xin được chịu tội chém ở quê mẹ là làng An Bài. Tướng Trần Quốc Nghiễn thừa lệnh hành hình, nhưng cứ chém đầu này thì Phạm Nhan lại mọc ra đầu khác. Hưng Đạo Đại Vương phải thân chinh mang thần kiếm xuống chém Phạm Nhan.
Ông Trần Hào Quang cho biết: “Hằng năm, chỉ đem đôi kiếm bạc ra một lần để nhân dân được chiêm ngắm. Vì là bảo vật quý của Hưng Đạo Đại Vương nên phải cất giữ cẩn mật”.
“Đền Trần Thương là một di tích tiêu biểu tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng – Ngũ mã thất tinh”. Đền được xây tựa hình cô gái nằm nghiêng với các giếng rồng đặc sắc. Hằng năm, vào đúng giờ Tý đêm 13/1 âm lịch, lễ phát lương được tổ chức. Trong túi lương có dấu ấn và ngũ cốc tượng trưng”. 
Ông Trần Hào Quang (Trưởng ban Văn hóa xã Nhân Đạo)
Trần Hòa