|
Ảnh minh họa ( Thành Hàm Dương) |
Từ góc độ của các thuật sĩ phong thủy, việc
Tần Thủy Hoàng có được thiên hạ là nhờ hưởng vận khí sơn xuyên địa lí của Tần quốc (tức nước Tần thời Chiến quốc).
Vận khí sơn xuyên địa lý là thế nào?
Lật giở lịch sử ta thấy, Hàm Dương (sơn thủy ở đây đều là dương nên cổ xưa gọi là Hàm Dương) nằm ở phía nam núi Cửu Trọng, phía bắc là Vị Thủy; là kinh đô của nước Tần thời Chiến quốc.
Các thuật sĩ phong thủy cho rằng, Hàm Dương có thêm vùng Quan Trung là có được vị trí địa lý như mãnh hổ thêm vuốt sắc nhọn. Thậm chí, theo nhiều người, nếu không có sự phù trợ của phong thủy Hàm Dương thì Tần Thủy Hoàng không thể đạt được giấc mơ thống nhất lục quốc. Cách nói này đúng sai chúng ta không bàn tới nhưng Hàm Dương có thế long phượng, nhật nguyệt địa biểu - hoàn toàn là mảnh phong thủy bảo địa hiếm có.
Cụ thể, dưới chân núi Cửu Tông hùng vĩ nguy nga ở Hàm Dương là bình nguyên Tần Xuyên mênh mông, thoắt ẩn thoắt hiện dài hơn 800 dặm. Thành cổ Hàm Dương nằm ở phần "bụng" của Tần Xuyên, cho sản vật phong phú, thổ nhưỡng phì nhiêu và nơi đây đã "sản sinh" 12 vương triều: Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường. Vì thế, có thể nói rằng, Hàm Dương là vùng đất có "long mạch phát đế vương".
Cũng theo các nhà phong thủy, mảnh đất Hàm Dương có thế "y sơn bàng thủy" - tức thế đất dựa vào núi và gần sông, biển. Núi chính là xương sống của đất và là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên mênh mông của con người. Còn sông là suối nguồn của vạn vật sinh cơ, không có nước con người cũng như vạn vật không thể sinh tồn... Từ đó, lại nói bình nguyên Vị Xuyên mênh mông có thêm dòng Vị Hà (Vị Thủy - nhánh sông lớn nhất của Hoàng Hà) từ phía nam đổ về. càng làm phong phú thêm long mạch cho Hàm Dương.
Bí ẩn long mạch phát đế vương và con số 6 ma mị
Tương truyền vào lập Xuân nọ, Tần vương Doanh Chính đang vãn cảnh xuân bên bờ Vị Hà, trong lúc mọi người bận rộn tế lễ thì ông nghe thấy âm thanh khác thường từ tiếng chảy. Sau khi đại lễ tế xuân bắt đầu, đột nhiên mặt nước Vị thủy sương mờ phủ dày đặc mãi không tan, đúng lúc mọi người chưa hết kinh ngạc thì tự dưng nước sông cuộn sóng lớn, dội mạnh vào hai bờ. Mọi người vội vàng hộ giá, nhưng đột nhiên có một con rồng xanh từ dưới lòng sông phi thẳng lên khỏi mặt nước, kéo theo bọt nước tung mù trời. Tần vương đứng bất động quan sát và chứng kiến mọi chuyện xảy ra. Con rồng sau khi lộn 3 vòng trên không, đã bay đến trước mặt Tần vương gật đầu liền 3 cái, rồi lặn vào dòng nước. Dòng Vị Hà trở lại vẻ êm đềm như vốn có, nhưng từ buổi ẩy, dòng Vị Hà được Tần vương đặt tên mới là “Thánh Thủy” (Thần sông).
Nhờ sự giúp đỡ của "Thánh Thủy" ở Vị Hà, nên sau khi thành đại nghiệp, Tần vương tự coi mình thuộc về “Thủy Đức”. Theo thuyết của ngũ hành, Chu triều thuộc “hỏa đức”, Tần triều thay thế Chu triều tự nhiên sẽ thuộc “Thủy đức”. Thủy đức vượng vào tháng 10 cho nên khi lập pháp triều, Tần lấy thập nguyệt làm đầu. Thủy ứng với màu đen trong ngũ hành, do đó triều phục, quần áo, cờ quạt nhà Tần đều dùng màu đen. Con số biểu tượng của thủy là 6, nên tất cả đều lấy số 6 làm chuẩn. Phù hiệu, pháp quan của Tần triều đều cao, dài 6 tấc (1 tấc = 10 phân), xe rộng 6 thước (1 thước tương đương 1/3m), giá xa dùng 6 con tuấn mã kéo. Đại Tần nhất triều đâu đâu cũng thấy dấu ấn của “Thủy Đức”. Tần Thủy Hoàng luôn tin tưởng và chung thủy vào “Thủy Đức”.
Tuy nhiên, luận giải về thế "y sơn bàng thủy" - tiêu chuẩn chọn lựa về phong thủy nên trên vẫn chưa đủ, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt quân sự. Tần quốc khởi nghiệp từ một nước chư hầu độc lập, trải qua nhiều lần rời đô đều có liên quan đến phong thủy. Cụ thể: Lần đầu tiên Tần quốc chọn Tần Ninh (nay thuộc vùng Dục hương, Hoa huyện, Thiểm Tây làm trung tâm chính trị) là do nhìn thấy phía Đông Tần Ninh có đỉnh Phượng Hoàng bảo vệ; phía Bắc có dòng Vị Hà; Tây Nam có Sa Cừ thủy bao quanh. Tiếp đó, Tần quốc lại dời đô đến Ung Thành vì vị trí địa lý nơi đây có Đông đối diện Hoành thủy; Tây dựa vào Linh sơn; Nam giáp Hãn Hà; Bắc tựa núi Quân Ba. Về mặt quân sự, 4 mặt Ung Thành đều là nơi hiểm trở để tránh được sự xâm lược từ bên ngoài...
Mỗi lần dời đô, Tần quốc đều tính toán vị thế tốt nhất về mặt quân sự, từ đó xây dựng và mở rộng bờ cõi. Đến đời Tần Thủy Hoàng, thì định đô tại Hàm Dương - vẫn là thế y sơn bàng thủy, tiến thoái tự như, cuối cùng đã thành đại nghiệp.
Như vậy, Hàm Dương sung túc no đủ là nhờ vào thủy khí và sơn thể mà hùng giáp thiên hạ. Thêm nữa, Doanh Chính còn được rồng xanh ở Vị Hà phù trợ nên hưởng trọn tinh hoa của sơn thủy Hàm Dương, thừa hưởng được “chân long chi khí” của huyết mạch, phát triển Tần quốc lớn mạnh thành Tần triều và Doanh Chính trở thành hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Tuyết Mai (Theo Sina)