|
Hoàng đế Càn Long tuần thú Giang Nam |
Càn Long là vị hoàng đế trường thọ nhất lịch sử Trung Quốc, cũng là vị hoàng đế tại vị lâu nhất. Ông thọ 89 tuổi, tại vị trong vòng 60 năm sau đó truyền ngôi cho hoàng thập ngũ tử Ngung Diễm, đổi niên hiệu là Gia Khánh. Nhưng việc nhường ngôi của Càn Long là chuyện bất đắc dĩ. Khi Càn Long đăng cơ, ông đã từng nói rằng, tổ phụ Khanh Hy đã vô cùng coi trọng ông, để báo đáp ân đức với tổ phụ, nên nhất định không được tại vị lâu hơn tổ phụ. Trước Càn Long, Khang Hy đã lập kỷ lục tại vị trong suốt 61 năm. Chính vì thế Càn Long chỉ nắm quyền trong vòng 60 năm, mặc dù sức khỏe vẫn dẻo dai, tinh thần vẫn minh mẫn nhưng vì muốn giữ lời hứa của mình, nên ông đã nhường ngôi và làm thái thượng hoàng.
Tuy làm thái thượng hoàng nhưng thực tế ông vẫn nắm quyền triều chính. Niên hiệu “Gia Khánh” thực ra chỉ để sử dụng đối ngoại, còn những việc giao dịch trong nội cung vẫn chiểu theo lệ cũ dùng niên hiệu “Càn Long”. Mãi đến năm 1799, thái thượng hoàng Càn Long băng hà thì mới dùng niên hiệu Gia Khánh. Nếu tính trên thực tế thì thời gian nắm quyền điều hành triều chính của hoàng đế Càn Long lên đến 63 năm 4 tháng, cho nên có thể nói Càn Long mới là vị hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Khang Hy cũng là vị hoàng đế luôn là người được hậu thế ca tụng về đại nghiệp trị quốc. Khang Hy đăng cơ khi mới 8 tuổi. Ông vốn là một thần đồng thông minh xuất chúng, nhưng ban đầu cũng không thể lo nổi đại nghiệp trị quốc mà đều phải dựa vào sự trợ giúp của mẫu hậu là Hoàng thái hậu Hiếu Trang Văn và văn võ bã quan mới có thể xây dựng được một đại nghiệp vẻ vang rực rỡ như vậy.
|
Tranh chân dung hoàng đế Càn Long. |
Càn Long 25 tuổi mới đăng cơ, tuy được tiếp nối luôn
cơ đồ của Khang Hy và Ung Chính để lại, cộng thêm với tài trí thông minh và năng lực cuả mình ông đã đạt được thành tựu vĩ đại trong đại nghiệp an bang trị quốc bình thiên hạ. Nếu nói một cách công bằng thì hoàng đế Càn Long mới là là vị hoàng đế lập nên đại nghiệp phi phàm trong lịch sử Trung Quốc.
Cuộc sống nơi hậu cung của Càn Long không thể bằng Tổ phụ Khang Hy. Sinh thời Khang Hy có 55 hậu phi, chưa kể đến những "thường tại", "đáp ứng" và 55 người con. Nếu tính theo ghi chép lịch sử thì đây là hoàng đế đông phi tần, lắm con cái nhất trong 10 hoàng đế triều Thanh. Tuy vậy lại rất hiếm người nói Khang Hy là kẻ háo sắc đa tình. Trong khi hoàng đế Càn Long có 41 hậu phi thì lại luôn bị hậu nhân gọi là “phong lưu hoàng đế”.
Trên thực tế, những câu chuyện của Càn Long và các hậu phi không thể lãng mạn bằng Tằng tổ phụ Thuận Trị, cũng chẳng quan tâm công bằng được như tổ phụ Khang Hy, nguyên nhân chủ yếu là do Càn Long rất đa tình, trăng hoa. Những chuyện sinh ly tử biệt giữa ông và đám hậu phi, thậm chí những tiếng sét ái tình hay những cuộc tình phong lưu ngoài nhân gian luôn khiến cho người ta cảm thấy có chút tiếc nuối, thù hận.
Khi Càn Long còn là hoàng tử Tứ A Ca, vào năm Ung Chính thứ 5, Tứ A Ca mới 17 tuổi. Nhưng do sắp xếp nên đã kết hôn cùng Phúc Sát Thị - con gái của tổng quản Sát Cáp Nhĩ Lý Vinh Bảo, sau đó lại lập tiếp thêm 2 trắc phúc tấn (thê) và một số nàng có thân phận thấp hơn. Mới 17 tuổi mà bên cạnh đã có 7,8 thê thiếp, chưa kể ngoài ra còn có 10 nàng. Trong số 10 nàng này, ngoài 1 người lớn tuổi là “ma ma” ra thì còn lại 6 người là “quan nữ tử”. Đám “quan nữ tử” này được chọn trong nội vụ phủ, nên đều là các nàng đang phơi phới tuổi xuân, xinh đẹp rạng rỡ. Năm Ung Chính thứ 9, đám thê thiếp của Tứ A Ca đã có nàng sinh con, lúc này ông ta cũng có quan hệ tình cảm với một “quan nữ tử” khiến nàng có mang, tuy việc này được thái giám tổng quản thông báo nhưng trong sử sách không thấy ghi chép lại về đứa trẻ này.
Vào năm đó chỉ thấy ghi chép Thứ phi Phúc Sát Thị (sau này đươc phong là Triết Mẫn hoàng quý phi) đã hạ sinh công chúa thứ 2 vào giờ Dần ngày 27/4 nhưng đến giờ Thân ngày 27/5 thì mất. Đến ngày 27/5 Phúc tấn Phúc Sát Thị (sau này được phong là Hiếu Hiền hoàng hậu) đã sinh công chúa thứ 3. Từ đó đến năm thứ 10 Ung Chính không thấy ghi chép lại việc sinh nở của các thê thiếp trong phủ Tứ A Ca, chỉ thấy chép rằng ngày 30/7 năm thứ 10 Ung Chính tổng quản Trần Phúc thông báo 1 quan nữ tử trong phủ Tứ A Ca đã bệnh chết, đây cũng có thể chính là vị nữ tử đã có bầu với Tứ A Ca.
Tháng giêng mùa xuân năm Quý Sửu, tức năm thứ 11 Ung Chính, Tứ A Ca được phong là Hòa Thạc Bảo Thân Vương. Vào năm đó thái giám tổng quản trong phủ cũng thông báo có một quan nữ tử có thai cần bà đỡ, nhưng cũng không có ghi chép nào về đứa trẻ được sinh ra. Rất có thể vì các quan nữ tử là người có thân phận thấp hèn, sẽ làm mất thể diện của Bảo Thân Vương cho nên đã cố tình không ghi chép chuyện này trong sử sách. Nếu theo thông báo của thái giám tổng quản trong phủ Bảo Thân Vương thì có hai nàng mang thai.Vậy số phận của các nàng ra sao? Điều này có lẽ vẫn là bí mật. Trên thực tế có rất nhiều hoàng đế đã dùng quyền lực của mình thay đổi cả lịch sử. Những điều gì không có lợi và lưu lại tiếng xấu cho mình thì đều không được ghi trong sử sách. Nhưng cho dù là triều đại nào thì cũng không thể ghi chép được đầy đủ và chi tiết cuộc sống nơi hoàng cung, và cũng không thể xóa sạch được mọi thứ.
Những chuyện trăng hoa của Càn Long thì được lưu truyền rất nhiều trong nhân gian. Trong chuyến đi Giang Nam ông ta đã bị tiếng sét ái tình với nàng Ngụy Giai Thị nhỏ hơn mình 16 tuổi. Nàng này lại rất tâm đầu ý hợp với Càn Long và không lâu sau thì vào cung đã rất nhanh từ quý nhân được tiến phong lên Lệnh phi rồi Lệnh quý phi.
Nhưng khi nàng giai nhân của tộc người thiểu số từ Tân Cương xa xôi đến kinh thành, với nhan sắc kiều diễm, và đặc biệt thân thể luôn tỏa ra một mùi hương đầy mê hoặc, đây có thể nói là đóa hoa dị thương nên đã khiến Càn Long chuyển sự say đắm từ Lệnh phi sang nàng. Để lấy lòng người đẹp, Càn Long còn phá lệ cho xây một khu mô phỏng theo phong cách của dân tộc thiểu số nơi cung cấm và sắp xếp cho một số người nhà của nàng vào cung sinh sống. Ngoài ra còn đón cả đầu bếp đao Hồi vào cung để phục vụ nàng. Đối với một hoàng đế có mấy chục phi tần thì việc si mê một nàng Hương Phi cũng không phải chuyện thường.
Trong bữa tiệc chúc mừng sinh nhật Hiếu Hiền hoàng hậu, Càn Long đã nổi tính trăng hoa khi nhìn thấy cô em dâu xinh đẹp của Hoàng Hậu (vợ của Phó Hằng em trai hoàng hậu). Càn Long đã tranh thủ cơ hội nàng ấy ngà ngà say được hoàng hậu lệnh cho cung nữ đưa ra ngoài nghỉ ngơi mà làm một việc vô cùng thất lễ mất mặt. Về sau chuyện này đến tai hoàng hậu, tuy rất giận dữ và đau đớn, nhưng nàng cũng không dám kêu ca đành phải ngậm đắng nuốt cay ôm hận trong lòng.
Khi Càn Long cho hoàng hậu cùng đi tuần thú phía đông, khi lên thuyền hoa Càn Long trắng trợn làm chuyện phong lưu ngay trên thuyền với mấy ả kỹ nữ chả thèm để ý đến hoàng hậu tức giận tím mày tím mặt.
Hoàng hậu thứ 2 là Ô Lạp Na Lạp Thị. Đây cũng là người con gái vô cùng thông minh xinh đẹp. Nàng lại rất giỏi xử lý mọi việc và luôn làm hoàng thái hậu vui vẻ. Khi Càn Long xuống Giang Nam cũng cho nàng theo hầu. Khi đến Kim Lăng, Hòa Thân đưa hoàng thượng đến sông Tần Hoài tìm kĩ nữ, trên thuyền hoa quan lại địa phương và diêm thương đã chuẩn bị sẵn các kỹ nữ xinh đẹp. Càn Long đã cùng đám kỹ nữ uống rượu hành lạc cả đêm không về hành cung (nơi ở của hoàng thượng khi xuất cung). Hoàng hậu biết chuyện nên tức giận đã lấy kéo cắt nát mái tóc dài của mình. Càn Long nổi giân lôi đình lệnh cho đám đại thần áp giải hoàng hậu về Bắc Kinh giam vào lãnh cung.
Đây có thể chỉ là những truyền thuyết trên nhân gian về thói đa tình của Càn Long nhưng nó cũng khiến cho người đời luôn coi ông là vị "phong lưu hoàng đế". Người đẹp bên Càn Long có thể không đếm xuể nhưng với ông vẫn có những người phụ nữ vô cùng quan trọng mà không ai có thể thay thế được, ví dụ như tình cảm với người vợ tào khang Phúc Sát Thị (Hiếu Hiền hoàng hậu).
Hoàng hậu Hiếu Hiền vốn xuất thân danh giá. Nàng là người có đức có tài nên khi làm hoàng hậu nàng luôn được trên yêu dưới kính. Nàng một đời là vợ hiền và là người hiểu hoàng thượng nhất. Càn Long luôn dành cho người vợ tào khang một tình càm đặc biệt trân trọng và vị trí rất quan trọng trong trái tim mình.
Theo sử sách ghi chép năm 1748, trong chuyến tuần thú phía Đông cùng hoàng thượng, sức khỏe của hoàng hậu rất yếu, nhưng vì không muốn làm lỡ việc quan trọng của hoàng thượng, cũng không muốn để hoàng thái hậu phải bận tâm lo lắng, nên nàng âm thầm chịu đựng. Ngày 11 tháng 3 năm thứ 13 Càn Long, trên đường hồi cung về đến Sơn Đông thì nàng trút hơi thở cuối cùng. Nàng ra đi khiến Càn Long vô cùng đau đớn và tiếc nuối. Vì muốn giữ lại chút hơi ấm của nàng mà Càn Long hạ chỉ cho thuyền lớn tiến thẳng vào trong thành. Nhưng cổng thành không lọt Càn Long sợ làm hỏng thuyền kinh động đến nàng bèn hạ lệnh phá cổng thành. Lúc đó lễ bộ thượng thư đã nghĩ ra cách bắc cầu gỗ lên thành, phủ rau xanh lên cho trơn rồi dùng con lăn và hơn 1.000 người để kéo thuyền vào thành. Tang lễ của nàng được tổ chức vô cùng trang trọng, đích thân Càn Long mặc hiếu phục để tang nàng. Đối với một ông hoàng như Càn Long thì đây quả là một tấm chân tình xưa nay hiếm.
Tuyết Mai (tổng hợp)