Sau khi Hàm Phong băng hà, Thái tử Tải Thuần lên ngôi làm Hoàng đế, sử cũ gọi là Đồng Trị đế. Tân đế kế vị, mẹ ruột là Từ Hy từ phi tần vươn lên trở thành Hoàng Thái hậu. Vào giai đoạn Quang Tự Hoàng đế tại vị, quyền lực của Tây Thái hậu đã lớn mạnh đến nỗi đủ sức làm mưa làm gió và đem lại cho bà cuộc sống xa hoa, lãng phí đến cực điểm.
Sau khi Từ Hy Thái Hậu qua đời, cơ nghiệp Đại Thanh cũng đến hồi mạt vận. Người ta biết đến tang lễ rầm trời của Từ Hy xa hoa và hoành tráng nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa với cỗ quan tài dát châu báu nặng đến mức cần 100 người khiêng!
|
Hình ảnh hiếm hoi về chiếc quan tài của Từ Hy thái hậu. |
Khi sắp sửa bước vào độ tuổi 40, Từ Hy đã bắt đầu hạ lệnh huy động nhân lực và tài lực để xây cất lăng mộ của mình. Người phụ trách nhiệm vụ này là Thuần Thân Vương Dịch Hoàn – em ruột của Hoàng đế Hàm Phong và cũng là cha ruột của vua Quang Tự.
Người đời đồn rằng, lăng mộ Từ Hy ở Định Đông Lăng được xây cất trên một mảnh đất có phong thủy tuyệt hảo, mảnh đất này từng được Hoàng đế Đồng Trị cho Từ Hy đích thân chọn lựa. Thế đất long phụng tựa núi cao, ngay trụ long mạch đế vương, quả thực trác tuyệt!
Trong quá trình xây cất lăng tẩm, Từ Hy đã huy động một khối lượng khổng lồ cả về nhân lực và tài lực cẩn thận tỉ mỉ đến từng viên gạch và tiểu tiết, bởi vậy lăng tẩm của vị thái hậu chuyên quyền nổi tiếng này nguy nga xa hoa chẳng hề thua kém hoàng cung trị giá 5 triệu lượng bạc trắng.
Tuy nhiên, sau khi xây xong, điều khiến Từ Hy không vừa mắt chính là đất này mọc quá nhiều cỏ dại – đó là điều bà không hài lòng. Từ Hy đã đưa ra yêu cầu rằng phần đất phủ phía trên của ngôi mộ tuyệt đối không được mọc ra một ngọn cỏ nào.
|
Phía trên ngôi mộ của Từ Hy Thái hậu ở Định Đông Lăng chưa bao giờ có bóng dáng của một ngọn cỏ dại nào. |
Để chiều lòng thái hậu, Thuần Thân Vương Dịch Hoàn đã áp dụng phương pháp bí truyền đến từ các lăng tẩm của vương triều Tây Hạ. Theo đó, ông cho người đem tới 100 chiếc nồi lớn, sau đó cho toàn bộ phần đất sẽ được đắp phía trên ngôi mộ vào nồi và đảo qua đảo lại trên lửa lớn để triệt tiêu dinh dưỡng trong đất, từ đó cỏ dại không thể mọc. Tuy nhiên đó không phải cách tốt nhất nên những người thợ đã đem toàn bộ đất xây lăng trộn với lưu huỳnh để khiến cho cỏ dại không cách nào sinh trưởng. Thông qua cách làm này, phần đất phía trên ngôi mộ của Từ Hy chưa bao giờ có tình trạng xanh cỏ.
Sau khi qua đời vào năm 1908, Từ Hy Thái hậu được chôn cất trong lăng mộ sang trọng chất chứa đầy báu vật mà bà đã cất công chuẩn bị lúc còn tại thế.
|
Quan tài của Từ Hy tại lăng "Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt" của riêng bà. |
Chỉ tiếc rằng, năm 1928, kẻ trộm mộ Tôn Điện Anh đã vào lấy cắp hết bảo vật. Tương truyền rằng, vào thời điểm lăng mộ Tây Thái hậu bị trộm, thi thể của bà vẫn chưa bị phân hủy. Có ý kiến cho rằng, di thể của Từ Hy được bảo quản hoàn hảo tới mức kỳ lạ là nhờ vào viên dạ minh châu sở hữu giá trị liên thành được đặt trong miệng bà.
Thế nhưng Tôn Điện Anh và tay chân của mình đã không ngần ngại mạo phạm cổ nhân để lấy đi viên ngọc minh châu.
Người đời truyền nhau rằng, sau khi thi thể Từ Hy vừa bị lấy mất viên dạ minh châu liền gặp gió, gương mặt của Từ Hy trong chớp mắt đã hóa thành bộ xương khô.
Nhớ năm xưa Từ Hy từng chi 5 triệu lượng bạc trắng để xây dựng nơi an nghỉ nguy nga này, đó là chưa kể tới số kho báu được tùy táng theo Thái hậu, trong khi đó triều đình phải đối phó thù trong giặc ngoài.
Cũng bởi vậy mà nhiều người cho rằng, hết thảy mọi tai ương xảy đến với lăng mộ chính là điềm báo cho những điều sai trái lúc sinh thời.
Theo Nguyên Anh/Nguoiduatin