Trong suy nghĩ của mọi người lâu nay, Trương Phi là một chiến tướng dũng mãnh, can đảm nhưng ít mưu mẹo, nên người ta thường gọi Trương Phi là kẻ “hữu dũng vô mưu” một cách mỉa mai và khinh miệt. Tuy nhiên, những ghi chép từ trong sử liệu lại hoàn toàn không giống như những gì người ta nghĩ...
Văn võ song toàn
Sách “Tam Quốc Chí tập giải” và nhiều sử liệu đáng tin cậy khác (không phải là “Tam Quốc diễn nghĩa, vì đây là tiểu thuyết “ba thực bảy hư” của La Quán Trung) đều miêu tả Trương Phi là một Nho tướng, không những giỏi võ mà còn biết làm thơ, vẽ tranh. Thậm chí, nhiều sử liệu còn khẳng định, Trương Phi là một thư pháp gia có tiếng thời bấy giờ.
Sách “Tam Quốc Chí” của sử gia Trần Thọ chép: Năm đó, Trương Phi lấy ít thắng nhiều đánh bại danh tướng của
Tào Tháo là Trương Dương.
|
Trương Phi trên phim ảnh.
|
Để ăn mừng chiến thắng, Trương Phi đã lấy đá làm giấy, lấy cây bát xà mâu nổi tiếng của mình làm bút viết lên đá bài “Lập Mã Minh” vừa để ghi nhớ chiến công của mình vừa để miệt thị quân Tào.
Trong bài này có đoạn: “Tướng quân nhà Hán là Trương Phi dẫn tinh binh cả vạn người đánh bại kẻ cầm đầu bọn phản loạn là Trương Dương ở Bát Mông nên lập bia này”.
Vậy tấm bia do chính tay Trương Phi viết bằng cây xà mâu của mình giờ này lưu lạc nơi nào. Theo nghiên cứu của các sử gia thì ở thành phố Lang Trung, Tứ Xuyên hiện nay vẫn còn một tấm bia như vậy.
Nghiên cứu tấm bia này, các sử gia phát hiện ra rằng, hóa ra, bản thân Trương Phi trong lịch sử đã là một Nho tướng, vì vậy, Trương Phi dũng mãnh chứ không hề thô lỗ.
Hơn nữa, Trương Phi còn là một người viết chữ đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, được coi là một trong những đại biểu của trường phái Bát Phân, một trường phái viết chữ rất thịnh hành thời bấy giờ.
Người Trung Quốc xưa có câu, nhìn chữ có thể biết được tính cách con người.
Một người viết chữ đẹp ắt hẳn phải là một người rất kiên trì nhẫn nại, một người như vậy không thể nào lại thô lỗ, hành động không bao giờ có suy nghĩ như những gì La Quán Trung miêu tả về Trương Phi trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Những ghi chép của sử liệu về khả năng viết chữ của Trương Phi tới nay vẫn có thể tìm thấy rất nhiều. Sách “Thục trung danh thắng ký” có ghi chép rất rõ câu chuyện về Trương Phi trên núi Bát Mông, huyện Lương, phủ Thuận Khánh.
Nhiều người cho rằng, tác giả của cuốn sách này là Tào Học, một nhà văn hiến học đồng thời cũng là chức Hữu tham chính ở Tứ Xuyên.
Họ Tào là người vừa có địa vị về văn hóa lẫn chính trị, do vậy, những ghi chép của ông ta có thể tin cậy được.
Đến thời nhà Thanh, trong tác phẩm “Cảo bản Tam Quốc chí bổ sung” của tác giả tên là Triệu Nhất Thanh có dẫn một đoạn từ sách “Phương dư kỷ yếu” cũng nói: “Bát Môn Sơn “có một phiến đá bên trên có chữ chép: Tướng quân nhà Hán là Trương Phi dẫn tinh binh cả vạn người đánh bại kẻ cầm đầu bọn phản loạn là Trương Dương ở Bát Mông nên lập bia này”.
Việc rất nhiều sách đều ghi lại câu chuyện Trương Phi dùng xà mâu viết chữ trên đá ở núi Bát Mông chứng tỏ đây là sự việc có thể đã xảy ra thực. Điều đó cũng có nghĩa, rất có thể Trương Phi thực sự là một thi pháp gia có hạng vào thời bấy giờ.
Trên thực tế, ghi chép sớm nhất về khả năng viết chữ đẹp của Trương Phi được ghi nhận là trong sách “Đao Kiếm lục” của Lục Hoành Ảnh người thời Nam Bắc Triều.
Trong sách này, Lục Hoành Ảnh có viết: “Khi Trương Phi mới nhận chức Tân Đình Hầu, tự mình lệnh cho thờ rèn lấy sắt ở Xích Sơn thành một thành đao.
Có bài ký viết: Tân Đình Hầu, tướng quân của Thục”. Sau này Trương Phi bị giết, thanh đao này được người ta đưa về nước Ngô”.
Tác phẩm “Tân Đình Hầu Đao ký” mà Lục Hoành Ảnh nhắc tới trong cuốn sách của mình chính là một tác phẩm thư pháp của Trương Phi.
Đến thời nhà Minh, trong sách “Đan diên tổng lục” cũng có một đoạn ghi chép về khả năng thư pháp của Trương Phi: “Ở Bồi Lăng có một bức chữ khắc Trương Phi điêu đấu. Chữ viết trong bài này rất được chăm chút dụng công, đó chính là chữ viết của Trương Phi”.
Ngô Trấn, một nhà thơ đời nhà Nguyên còn viết một bài thơ có tên: “Trương Dực Đức từ”, trong đó có viết: “Quan hầu phúng tả thị, xa kỵ cánh công thư. Văn võ thú tuy biệt, cổ nhân thường hữu dư, hoành mâu tư uyển lực, Dao Tượng khủng nan như”.
Ý tứ của bài thơ này của Ngô Trấn là ca ngợi tài năng viết chữ của Trương Phi, cho rằng, với khả năng văn võ song toàn như Trương Phi thì hai đại thư pháp gia của thời Tam Quốc là Chung Dao của nước Ngụy và Hoàng Tượng của nước Ngô cũng không sánh kịp.
Vào thời cổ đại, thư (viết chữ) và họa (vẽ tranh) không có sự phân biệt. Vì vậy, Trương Phi không chỉ có những tác phẩm thư pháp rất đẹp mà còn rất thích vẽ tranh, đặc biệt là vẽ người đẹp.
Theo sách “Họa túy nguyên thuyên” của Trách Nhĩ Xương người thời Minh có đoạn chép: “Trương Phi… thích vẽ người đẹp, giỏi viết thảo thư (một thể loại thư pháp, rất khó học và khó viết)”.
Vì vậy, có thể nói rằng, không chỉ có tài năng, Trương Phi còn là một người rất lãng mạn. Điều đáng tiếc là, cho tới nay không còn bất cứ bút tích nào của vị tướng quân lừng danh họ Trương còn lưu lại cho hậu thế, nếu không, Trương Phi đã không chỉ được nhắc tới như một mãnh tướng mà thôi.
Mỹ nam tử
Không chỉ là một nhà thư pháp viết chữ rất đẹp, vẻ bề ngoài của Trương Phi cũng không hề dữ tợn và luộm thuộm như hình ảnh lâu nay người ta vẫn nghĩ về vị mãnh tướng “hữu dũng vô mưu” này.
Điều khiến người ta buộc phải suy nghĩ lại về dáng vẻ bề ngoài của vị dũng tướng Trương Phi chính là phát hiện khảo cổ vào năm 2004 tại di tích doanh trại Trương Phi ở Triển Dương, Tứ Xuyên. Tại đây, chiếc tượng đầu người bằng đá được các nhà khảo cổ phát hiện đã khiến người ta phải suy nghĩ lại về chân dung của Trương Phi.
|
Tranh minh họa Trương Phi.
|
Theo các nhà sử học, bức tượng tìm được tại Tứ Xuyên cao khoảng 4 mét, rộng hơn 4 mét. Truyền thuyết của các cư dân địa phương nói rằng đây là bức tượng mà người thời Đường làm để tưởng niệm Trương Phi một trong “ngũ hổ tướng” của nước Thục.
Điều đáng nói là, bức tượng Trương Phi này lại hoàn toàn khác với hình ảnh Trương Phi trong “
Tam Quốc diễn nghĩa” và cả trong tưởng tượng của mọi người lâu nay: Tai dài môi dày, mặt không hề có một cọng râu.
Các chuyên gia khảo cổ hàng đầu của Trung Quốc đã tiến hành giám định kỹ càng đối bức tượng này.
Kết quả cho thấy, bức tượng xác thực được tạo ra vào đời nhà Đường. Song việc bức tượng này có phải là tượng của Trương Phi hay không thì các nhà khảo cổ không thể đưa ra câu trả lời xác quyết được.
Tuy nhiên, các nhà sử học phải thừa nhận rằng, việc phát hiện ra bức tượng này khiến người ta phải suy nghĩ lại về cách hình dung tướng mạo của Trương Phi lâu nay.
Trong cuốn sử “Tam Quốc chí” của Trần Thọ, tướng mạo của Lưu Bị và Quan Vũ đều được tác giả miêu tả rất kỹ lưỡng, tuy nhiên, Trương Phi thì tuyệt nhiên không có một chữ nào miêu tả về tướng mạo. Điều này không thể không nói là một chuyện kỳ lạ.
Cũng vì Trần Thọ không hề miêu tả hình dáng bên ngoài của Trương Phi, nên La Quán Trung khi viết “Tam Quốc diễn nghĩa” tha hồ phóng bút mà tưởng tượng.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã không tiếc những lời khoa trương khi miêu tả chân dung của Trương Phi: “Thân cao 8 xích, đầu báo, mắt tròn, cằm yến, râu hổ, tiếng nói như sấm, thế đi như ngựa phi”.
Từ “Tam Quốc diễn nghĩa” của tác giả họ La khi được chuyển sang các vở kịch, gương mặt của Trương Phi ngoài các đặc điểm trên còn được thêm một khuôn mặt đen rất hung tợn.
Điều này hoàn toàn là vì nhu cầu sáng tạo của môn nghệ thuật kịch. Tuy nhiên, sự phổ biến của chúng lại khiến người đời sau coi đó là chuẩn mực về chân dung của Trương Phi.
Như vậy, theo những sử liệu cũng như phát hiện khảo cổ thì Trương Phi rõ ràng không phải là một người có tướng mạo xấu xí, cũng chẳng phải là kẻ râu ria xồm xoàm, ăn nói lỗ mãng như người ta vẫn tưởng tượng.
Không những vậy, nhiều người còn suy đoán rằng, Trương Phi còn là một mỹ nam tử, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa. Bằng chứng là, Trương Phi có hai người con gái thì cả hai đều được gả cho hậu chủ Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị.
Có thể ngồi lên ngôi mẫu nghi thiên hạ, trong một thể chế khắt khe như thời phong kiến thì chắc chắn người con gái đó không phải là giai nhân tuyệt sắc thì cũng không thể xấu xí được.
Cũng vì thế, nhiều người suy đoán rằng, là cha của hai cô con gái đều được tuyển làm hậu phi, tướng mạo của Trương Phi chắc chắn không đến nỗi nào.
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có bất cứ sử liệu nào có thể xác minh được, dung mạo của Trương Phi giống như bức tượng tìm thấy ở Tứ Xuyên hay giống như những gì tác giả La Quán Trung đã miêu tả?
Theo Phunutoday