|
Ảnh minh họa chân dung Lý Bạch. |
Lý Bạch xuất thân trong một gia đình giàu có ở Tây Vực. Từ nhỏ được mẹ dạy cho chữ Tây Vực, cha dạy cho Kinh Thi, đến 10 tuổi đã thông thạo và thích làm thơ. Ông là nhà thơ nổi tiếng nhất nhà Đường và được hậu bối tôn là “Thi Tiên”. Từ nhỏ được theo cha đi khắp nơi, cộng thêm với tâm hồn ngập tràn thơ ca của mình ông thích ngao du sơn thủy, thăm thú cảnh đẹp ở khắp nơi.
Năm 25 tuổi, Lý Bạch bắt đầu từ biệt người thân đi khắp thiên hạ. Trong thời gian này, ông đã kết duyên với cháu gái của Hứa Ngữ Sư tướng quốc làm vợ và đến ở rể tại An Lục Phủ. Hai người sinh được hai người con. Con gái đầu tên Bình Dương, con trai út tên Bá Cầm. Có lẽ bi kịch của cuộc đời ông bắt đầu từ đây.
Cả cuộc đời Lý Bạch từng trải qua bốn lần kết duyên, trong đó có hai người vợ cưới xin chính thức. Hứa thị phu nhân là người vợ chính thức đầu tiên. Theo quan niệm cổ xưa, việc phải ở rể nhà gái sẽ khiến cho địa vị của nam giới trở nên thấp hèn, thường bị người đời coi thường hay cười nhạo.
Tuy nhiên, theo những khảo chứng của giới lịch sử, nơi mà Lý Bạch sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa của tộc người Tây Đột Quyết. Cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Vực còn rất nhiều phong tục tập tập quán của xã hội mẫu hệ. Sự phát triển xã hội của tộc người Đột Quyết cũng lạc hậu rất nhiều so với người Hán. Địa vị của nữ giới ở đây rất cao nên nữ giới thường là người làm chủ hôn nhân.
Vì thế, việc Lý Bạch xuất thân từ một gia đình từ Tây Vực nên việc ông ở rể không phải là điều gì ghê gớm mà trái lại còn là điều vinh dự. Điều này thể hiện trong thơ của ông giai đoạn này vẫn dương dương, đầy ngạo nghễ. Lý Bạch coi chuyện hôn nhân đại sự của đời mình chỉ nhằm nâng cao địa vị và thân phân của mình nên mới kết giao nơi quyền qúy để thuận lợi trên quan lộ.
Gia tộc Hứa tướng quốc ở An Lục phủ từng một thời hiển hách trong thời kỳ đầu nhà Đường đến thời hoàng đế Cao Tông. Nhưng vật đổi sao rời, hậu thế nhà họ Hứa hiện không có ai làm quan trong triều, nên khó giúp Lý Bạch tạo được thế lực và ô dù trên quan trường. Đáng tiếc rằng cuộc hôn nhân quyền quý này cũng không giúp được gì cho sự nghiệp của Lý Bạch. Nó chủ yếu chỉ giúp ông giải quyết được vấn đề cơm áo gạo tiền trong cuộc sống nhưng lại chính là nguyên nhân đem đến cho ông rất nhiều ưu tư, sầu muộn sau này. Và như thế, Lý Bạch đã sống gần 10 năm chán nản trong An Lục phủ.
Năm 736, Hứa thị phu nhân bất hạnh qua đời. Đây chính là cú sốc rất lớn đối với Lý Bạch. Khi còn sống, phu nhân thay ông chăm sóc nuôi dạy con cái để ông thỏa chí tang bồng. Nhà họ Hứa tuy không thích nhưng cũng không thể công khai phản đối. Nhưng phu nhân mất đi, với thân phận ở rể, Lý Bạch càng bị coi không ra gì. Không ai muốn gánh tránh nhiệm nuôi hai đứa con giúp ông. Điều này chứng tỏ xưa nay Hứa gia chỉ bằng mặt mà không bằng lòng với Lý Bạch. Bỗng nhiên bao nhiêu áp lực và khó khăn chồng chất lên cuộc sống của ông. Biết khó lòng tiếp tục sống ở nhà họ Hứa nên ông đã vội vàng đưa hai đứa con chuyển đến sống ở Đông Lỗ (Sơn Đông).
Nơi Lý Bạch chuyển đến nằm ở phía đông ngoại thành Hà Khâu, quận Duyễn Châu (nay thuộc huyện Duyễn Châu, tỉnh Sơn Đông), cách Khúc Phụ khoảng 30 dặm. Lúc này Lý Bạch vẫn muốn lên núi ở ẩn, mong chờ cơ hội để cầu danh, nhưng trong nhà còn hai con nhỏ biết dựa vào ai. Đây là vấn đề nan giải không thể không giải quyết. Vì thế là ông đã quyết định chung sống với một người đàn bà họ Lưu để có thể nhờ cô ấy gánh vác tránh nhiệm chăm sóc hai đứa con. Không ngờ người con gái ấy khi biết mục đích của Lý Bạch nên đã vội vàng bỏ đi.
Không còn cách nào khác, Lý Bạch lại phải nhờ cậy bạn bè mai mối cho một phụ nữ khác và miễn cưỡng chung sống. Tuy Lý Bạch không ưa gì người đàn bà bụng dạ hẹp hòi này, nhưng không còn cách nào đành phải làm ngơ mà sống. Họ sinh được một đứa con trai nhưng sau này tuyệt nhiên không thấy ông nhắc đến. Sau nhiều lần tìm cách để đi đây đó không thành, trong lúc đang chìm đắm trong bế tắc và khó khăn thì ông nhận được chiếu thư của Đường Minh Hoàng triệu vào kinh. Chí trai đã thỏa, nhưng điều khiến ông day dứt nhất chính là hai đứa trẻ Bình Dương và Bá Cầm còn quá nhỏ. Niềm vui được toàn tụ với cha chưa bao lâu giờ lại bịn rịn dứt áo chia lìa.
|
Lý Bạch phụng mệnh vào kinh sống ở Khai Phong và thường xuyên ngao du khắp nơi. |
Từ khi Lý Bạch phụng mệnh vào kinh sống ở Khai Phong và thường xuyên đi khắp nơi, ông vẫn gửi hai đứa con ở Diêu Châu, Sơn Đông. Ông cũng từng về sống với hai đứa trẻ trong một quãng thời gian mà ông luôn coi đó là quãng thời gian vô cùng đẹp đẽ. Sau khi trở về Khai Phong, ông đã lấy cháu gái của tể tướng Tông Sở Khách và tiếp tục “khiếp ở rể” nhà hộ Tông. Đây cũng chính là cuộc hôn nhân chính thức thứ hai và là người vợ thứ tư của ông.
Tể tướng Tông Sở Khách vốn là con trai của em họ Võ Tắc Thiên. Trong vòng 10 năm từng ba lần làm tướng, từng tham ô hối lộ làm trái vương pháp, là một kẻ hại nước hại dân. Nhưng nhờ ỷ thế Vi hậu và Võ Tam Tư ông ta vẫn leo lên chức tể tướng. Sau này, Đường Huyền Tông khởi binh đập tan tập đoàn mưu phản của Vi Hậu thì Tông Sở Khách cũng chết cùng. Tuy biết rõ về ô danh của ông ta, nhưng không hiểu sao Lý Bạch vẫn quyết định làm vậy. Khi đã yên bề gia thất, ông rất muốn đón ngay hai con đến sống cùng mình để chúng được hưởng sự ấm áp của tình cảm gia đình. Ông muốn chúng được sống, học tập, khôn lớn trong môi trường bình thường, nhưng đáng tiếc những đứa trẻ không được hưởng niềm vui đó.
Sống trong phủ Tông tể tướng với thân phận ở rể, Tông gia lại là gia tộc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm truyền thống, vì thế ông không được mọi người coi trọng. Bản thân Tông thị phu nhân cũng không chấp nhận người vợ trước và những đứa con riêng của chồng. Chính vì thế, ông không dám chủ động đề nghị điều đó hoặc có nhắc đến cũng biết sẽ không nhận được câu trả lời tích cực nên đành bỏ qua. Cứ như thế Lý Bạch luôn cảm thấy bứt rứt trong lòng và lúc nào cũng da diết một nỗi nhớ con trẻ.
|
Lý Bạch lại ra đi, lang bạt chân trời góc bể. |
Thế rồi cuộc hôn nhân này cũng không giữ chân ông được bao lâu. Lý Bạch lại vội vàng ra đi, lang bạt chân trời góc bể. Trong những ngày tháng sống vất vưởng trong thiên hạ, ông vẫn viết cho vợ mình rất nhiều thơ thể hiện tình cảm nhớ nhung sâu đậm. Năm thứ 11 Đường Thiên Bảo 9 tức năm 755, lúc này Lý Bạch đã 55 tuổi. Lúc bấy giờ An Lộc Sơn khởi binh phản Đường, chỉ trong vòng có 8 tháng đã tiến đến trọng địa phía Tây. Đường Huyền Tông phải chạy đến Thành Đô. Lúc này Lý Bạch cũng đến lánh nạn tại Lư Sơn. Không lâu sau, Tông phu nhân chạy loạn cũng đến Lư Sơn tìm chồng. Cuối cùng vì chiến loạn mà hai người có duyên trùng phùng. Lý Bạch ngày đêm lo lắng cho sự an nguy của hai đứa con ở Đông Lỗ xa xôi. Môn đệ của ông đã tình nguyện sẽ đến đón rồi đưa chúng đến đến Lư Sơn với ông nhưng không hiểu vì lý do gì mà không thực hiện được kế hoạch này.
Sau này, tiết độ sứ Vĩnh Vương Lân đã lên tận núi mời ông về phủ. Lý Bạch đành phải đi theo. Đến khi Vương Lân làm phản bị bắt, Lý Bạch chạy trốn nhưng không thoát và bị bắt giam. Lúc sắp bị tử hình có Tuyên uý đại sứ Thôi Chi Hoán (người từng chịu ơn cứu mạng của Lý Bạch) với ngự sử trung thừa Tống Nhược Tư đem giấu đi. Đến năm 757 bị triều đình bắt lại, lúc này Vương Chi Hoán ra sức giải oan cho ông, cuối cùng thoát tội chết chỉ bị đi đày.
Trên đường đi đày ông được phóng thích, khi trở về chốn cũ ông đã mãi mãi không còn gặp được Tông thị phu nhân nữa. Có thể bà đã rời xa nhân thế, cũng có thể bà đã xa lánh hồng trần gửi mình vào nơi cửa Phật. Lúc này tuổi cao sức yếu ông không thể tiếp tục ngao du, đành dừng bước về sống nhờ người em họ là Lý Dương Băng và con trai Bá Cầm.
Hơn 50 năm sau ngày Lý Bạch qua đời, con trai bạn ông là Phạm Truyền Chính đã đi hỏi thăm về hậu thế của Lý Bạch và tìm được hai người cháu gái của Lý Bạch. Họ chính là con gái của Bá Cầm. Sau khi cha mất, gia đình thất thế, phận nữ nhi không được phân ruộng đất nên trở thành thứ dân. Sau này, vì mưu sinh nên đã lấy chồng là nông dân, sống làm bạn với nghèo đói, cơ cực.
Khi biết được hoàn cảnh thê thảm của họ, Phạm Truyền Chính lập tức sai người đón họ vào phủ hỏi rõ sự tình ngọn ngành thì được biết: Năm thứ 8 Trinh Nguyên, Bá Cầm mất, con trai cả phiêu bạt giang hồ bặt vô âm tín. Hai người con gái vốn xuất thân từ gia đình nhân sĩ nên không biết dệt vải, cũng không có vườn dâu để trồng trọt, không có ruộng đất để cấy hái. Vì sinh tồn họ đành phải lấy chồng để nương tựa. Tuy tình cảnh thê thảm nhưng cũng không dám đến kêu với huyện lão gia vì sợ làm nhục thanh danh một đời của Lý Bạch. Khi nghe những lời này, Phạm đại nhân đau lòng không cầm được nước mắt. Ông quyết định dùng quyền lực của mình cải giá gả họ vào chỗ giàu sang quyền quý nhằm giúp họ thay đổi số phận và địa vị. Nhưng hai người cháu gái của Lý Bạch không đồng ý vì không muốn việc làm của mình làm hỏng thanh danh của ông nội.
Một đời tung hoành ngang dọc khắp đó đây, để cho đời hàng ngàn bài thơ bất hủ nhưng có lẽ Lý Bạch thể ngờ rằng hậu duệ của Lý gia lại phải sống đời cơ cực đến vậy: con cái phiêu bạt, không ai được học hành thành tài và cuối cùng phải sống trong cảnh nghèo túng, thê thảm. Đây có lẽ là thất bại lớn nhất trong cuộc đời "kỳ nhân" lừng danh thiên hạ này.
Tuyết Mai (theo Sina)