Những vị “hoàng đế con nít” nổi danh trong sử Việt (1)

Google News

(Kiến Thức) - Có rất nhiều vị vua trẻ con của Việt Nam được dựng lên từ những tính toán của “người lớn” và không bao giờ nắm được quyền lực thật sự.  Nhưng có một số ít đã để lại dấu ấn sâu đậm...

Có rất nhiều vị vua trẻ con của Việt Nam được dựng lên từ những tính toán của “người lớn” và không bao giờ nắm được quyền lực thật sự. Không ít trường hợp đã kết thúc số phận của mình một cách bi thảm. Nhẹ nhàng hơn là chìm vào sự lãng quên của lịch sử.  

Nhưng cũng có một số vị vua lên ngôi từ thuở ấu thơ đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong sử sách.

Kỳ 1: Những “đứa trẻ” trở thành nhà cai trị sáng suốt

Trong lịch sử Việt Nam, có một số trường hợp hiếm hoi những vị vua lên ngôi từ khi còn là trẻ con đã trưởng thành trên ngai vàng và trở thành những nhà cai trị sáng suốt, lưu tiếng thơm cho hậu thế.  

Lý Nhân Tông

Người đầu tiên có thể kể đến là vua Lý Nhân Tông (1066 – 1127), vị vua thứ tư của triều Lý. Ông có tên thật là Lý Càn Đức, là con trai duy nhất của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân.

Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072, khi mới 6 tuổi, sau khi vua cha Lê Thánh Tông mất. Khi còn nhỏ, ông nhờ vào Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, lại thêm sự phò tá của Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt, những nhân vật lịch sử lỗi lạc Việt Nam.

Trong thời  gian trị vì của mình, Lý Nhân Tông tỏ ra là một vị vua chú trọng văn hóa, giáo dục, biệt đãi nhân tài, trọng vọng các bậc thiền sư thạc đức. Dưới triều đại của ông lần đầu tiên nước Việt tổ chức khoa thi Tam trường và lập Quốc tử giám.

 Ảnh minh họa. 

Lý Nhân Tông cũng là người quan tâm đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và cải cách quan chế. Ông ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi và cho đắp đê chống lũ lụt, nổi tiếng nhất là đê Cơ Xá, khởi đầu cho việc đắp đê ngăn lũ ở Việt Nam, nhằm giữ cho kinh thành khỏi ngập lụt. Năm 1086, ông định lại quan chế, chia văn võ bá quan làm 9 phẩm.

Vua Lý Nhân Tông làm vua đến năm Đinh Mùi (1127) thì mất, trị vì được 55 năm (1072 – 1127), hưởng thọ 62 tuổi. Với con số này, Lý Nhân Tông là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong thời gian ông cầm quyền, Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực.

Trần Minh Tông

Vua Trần Minh Tông (1300-1357) tên thật là Trần Mạnh, lên ngôi lúc 14 tuổi là vị vua thứ 5 của nhà Trần. Ông là người con thứ tư của vua Trần Anh Tông và Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị (con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng).

Trong 15 năm trị vì (1314-1329), Trần Minh Tông được sử sách ghi nhận là người có tính tình nhân hậu, biết trọng người tài. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Năm 1323, ông đã cho mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

Tuy nhiên, vua Trần Minh Tông cũng bị chê trách khi tin vào Trần Khắc Chung và Văn Hiến hầu nên đã giết Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là ông chú ruột, đồng thời là quốc trượng (bố vợ) năm 1328. Cũng bắt đầu từ triều đại của Trần Minh Tông, họ Lê của Lê Quý Ly có cơ sở để chuyên quyền về sau.

Nhìn chung, triều đại nhà Trần dưới thời Trần Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời vua trước đã tạo nên.

Lê Thái Tông


Lê Thái Tông (1423 – 1442), là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê. Ông tên thật là Lê Nguyên Long. Con thứ hai của vua Lê Thái Tổ và bà Cung Từ hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần.

Lê Thái Tông lên ngôi năm 1433, khi mới 11 tuổi. Dù còn ít tuổi và có sự phụ chính của công thần Lê Sát nhưng ông đã khẳng định được sự thông minh, quyết đoán, đủ bản lĩnh đối phó với những vấn đề phức tạp của triều đình.

Không lâu sau khi lên ngôi, năm 1434 vua Lê Thái Tông đã ra chiếu cho bá quan văn võ chiêu mộ hiền tài. Năm 1438 ông cho mở khoa thi vào Quốc tử giám và chỉnh đốn việc thi cử các đạo. Năm 1442, ông mở khoa thi Tiến sĩ, tạo ra tục lệ khắc tên những người thi đỗ vào bia đá ở Văn Miếu.

Ngoài chính sách giáo dục, ông còn đề xuất nhiều biện pháp kinh tế như quy định lại những cách thức tiêu dùng tiền và lụa vải ở trong nước.

Khi Lê Thái Tông đủ 15 tuổi, lẽ ra Lê Sát phải rút lui nhưng vẫn tham quyền cố vị, tỏ ra chuyên quyền. Vua bất bình đã bãi chức Lê Sát và Lê Ngân rồi hạ lệnh giết chết những người này và đích thân chấp chính. Ông đã trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt…

Vào thời vua Lê Thái Tông đất nước thịnh vượng, no ấm được ca ngợi và đã đi vào ca dao của dân tộc. Những nước lân bang, như Xiêm La, Ai Lao và Chiêm Thành đều có sứ thần đi lại và thường có tiến cống.
 
Lê Thái Tông mất rất sớm, khi mới 20 tuổi, khi ở Lệ Chi Viên cùng Nguyễn Thị Lộ. Cái chết của ông là nguyên nhân vụ thảm án Án Lệ Chi Viên nổi tiếng, khiến Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị kết tội giết vua và tru di tam tộc.

Lê Nhân Tông


Lê Nhân Tông (1441 – 1459), vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.

Năm 12 tuổi Lê Nhân Tông đã tự điều hành triều chính. Dù nhỏ tuổi nhưng ông chứng tỏ mình là vị hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều.

Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng.

Dù sáng suốt và nhân từ, nhưng vua Nhân Tông vẫn bị anh cả là Lê Nghi Dân oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột.

Một đêm cuối năm 1459, Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại "nuốt hận ngậm đau", và thần dân "như mất cha mất mẹ”.

(Còn nữa...)

TIN BÀI LIÊN QUAN



BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Hoàng Phương