Các vua chúa Việt tưởng chừng chỉ tiến hành các cuộc hôn nhân chính trị nhưng có nhiều vị vua vẫn có những mối tình sét đánh cực kỳ lãng mạn.
Lê Thánh Tông và mối tình với “Ngọc nữ”
Ngoài danh tiếng là một vị vua sáng suốt, Lê Thánh Tông còn có một mối tình khá ly kỳ với con gái của Nguyễn Trãi được dân gian lưu truyền. Theo lời kể, khi Nguyễn Trãi bị án chu di ba họ thì có một người vợ lẽ đang có mang thoát được. Sau đó, bà sinh được 1 cô con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Đào. Cô con gái này xinh xắn lại có khiếu gảy đàn nhưng tiếc là bị câm bẩm sinh.
Theo sách "36 tình sử Thăng Long Hà Nội", sau khi mẹ mất, cô Đào lưu lạc vào một đội nữ nhạc. Một lần đội nhạc được gọi vào cung biểu diễn cho vua xem, cô cũng được tham gia mặc dù bị câm. Hôm biểu diễn cho vua và thái hậu xem, vua thấy các cô khác thì hết múa lại hát còn cô Đào thì chỉ gảy đàn hoặc gõ phách mà không nói lời nào, nhà vua mới hỏi: “Còn cô này, sao không hát đi?”.
|
Lê Thánh Tông trên phù điêu trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng. |
Bỗng cô Đào đứng bật dậy hát một câu nôm: “Ví dù duyên chẳng nợ nần, thì đem nhau xuống cõi trần làm chi”. Cả đội nhạc đều ngạc nhiên vì cô vốn bị câm mà nay lại nói được. Không những thế, giọng hát của cô còn rất hay nữa. Trong khi mọi người còn đang choáng váng thì cô đọc tiếp một bài thơ chữ Hán nữa. Đại ý bài thơ nói về cuộc xum họp của một đôi uyên ương vì lẽ gì đó mà phải tạm xa nhau, nay mới được gặp lại.
Nhà vua vốn là người hay chữ, giỏi thơ văn, nghe vậy liền hỏi: “ Ai đã dạy cô hát?”. Cô Đào sau lúc đột nhiên nói được thì chính mình cũng đang ngạc nhiên nên bối rối không biết phải trả lời làm sao. Người Quản giáp của đội nhạc mới thay lời, tâu vua mọi nhẽ về hoàn cảnh của Đào và không quên chêm vào đó lời tâng bốc rằng nhờ sự anh minh của hoàng thượng đã giúp cô lấy lại được tiếng nói.
Bấy giờ thái hậu Ngọc Dao cũng có mặt, từ nãy giờ bà nhìn cô Đào rất kỹ. Khuôn mặt này, dáng người này dường như bà đã quen lắm, không biết đã gặp ở đâu. Một hồi sau bà à lên một tiếng, đã nhớ ra được cô gái này rồi bèn kể cho vua Thánh Tông nghe rằng: “Hồi còn hoài thai Hoàng Thượng, có lần ta nằm mơ được lên Thiên đình, Ngọc Hoàng phán bảo cho ta một Tiên Đồng đầu thai để sau này làm vua nước Nam. Rồi ngài lại truyền chỉ cho một Ngọc Nữ cùng theo xuống. Cô gái này giống Ngọc Nữ ta gặp trong mơ như đúc”.
Nhân duyên kỳ ngộ, nhà vua liền cho cô Đào vào cung rồi sau phong làm cung phi và rất sủng ái. Tuy vậy, sử sách không chép rõ nhà vua và vị “Ngọc Nữ” này có hoàng tử, công chúa nào không.
Lời tỏ tình có một không hai của vua Thành Thái
Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Huệ hoàng hậu Phan Thị Điểu, và là cháu nội Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y, gọi vua Thiệu Trị là cụ nội. Ông sinh năm Kỷ Mão 1879, sau khi vua Đồng Khánh mất vào năm Mậu Tí 1888, ông được khâm sứ Pháp Rheinart và Nam triều họn nối ngôi nhờ sự khéo léo của Diệp Văn Cương – chồng công nữ Thiện Niệm, tức cô ruột ông, trong quá trình thông dịch giữa các quan Nam triều và Công sứ. Lễ đăng quang được tổ chức năm Kỷ Sửu 1889.
|
Vua Thành Thái. |
Theo sách "Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam", vua Thành Thái dục tính phát triển sớm nên nhiều đêm ông cùng thị vệ cưỡi ngựa trốn ra khỏi cung cấm, đi theo sở thích (trong đó có cả việc đi đến với các người đẹp). Tính ông giản dị, dễ dãi, có thể nằm giường tre với dân, ăn uống không cần 50 món như Đồng Khánh, không phải “bát trân” như các vua chúa khác nên ông gần dân.
Một lần nhà vua cải trang thành thư sinh đến làng Kim Long gần kinh thành chơi. Chơi chán rồi, ông cùng mấy người tùy tùng đủng đỉnh dạo xuống bến đò. Bỗng thấy cô lái đò xinh đẹp, hấp dẫn, ông ỡm ờ hỏi cô gái: “Này o tê, có ưng làm vợ của vua không?”
Cô gái nghe hỏi tưởng đùa nên cũng đáp liều: “ưng”. Chỉ chờ có vậy, vua Thành Thái cầm ngay lấy tay nàng, kéo ra mũi thuyền, mặc cho nàng mặt đỏ thẹn thùng. Ông liếc mắt đưa tình nói: “Rứa thì Quí phi ngồi nghỉ, để trẫm chèo cho!"
Nói xong ông giành ngay lấy tay chèo từ tay nàng, đích thân chèo, cho đò xuôi dòng Hương giang từ Kim Long đến bến Nghinh Lương trước Phú Văn Lâu. Đò cập bến, ông bảo các người cùng đi tiễn đưa “quí phi vào nội” thể theo nguyện ước của nàng, rồi sau đó mới báo về gia đình cô gái, kèm theo lễ vật.
Bởi giai thoại này, ở Huế có câu ca dao rất phổ biến: Kim Long cô gái mỹ miều, Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.
Với cách tuyển vợ dễ dàng, không hạn chế như thế, nên Thành Thái có nhiều vợ, mà hiện nay các tài liệu, sách vở chưa thể thống kê hết. Riêng số con của ông mới tạm theo Nguyễn Phước tộc thế phả chưa khảo sát đầy đủ mà ta đã có thể ghi nhận được 19 hoàng tử và 26 hoàng nữ.
Nam Khánh