Sinh ở triều Lê, làm quan dưới triều Mạc, ở vào những năm tháng rối ren và nhiều biến động của đất nước, bằng tài năng và đức độ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vượt lên hoàn cảnh trở thành một bậc hiền triết, nhà văn hoá lớn của dân tộc ở vào thế kỷ thứ XV-XVI. Đặc biệt với "Sấm
Trạng Trình", ông được người dân suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam.
|
Khu di tích Trạng Trình.
|
Một nho sinh xuất sắc
Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuở nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi (1491), dưới triều Lê Thánh Tông - thời kỳ được xem là thịnh trị nhất của nhà Lê sơ. Có tài liệu cho rằng Trạng Trình đổi từ tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt thành Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ông chuẩn bị đi thi (1535). Nghĩa của hai chữ "Bỉnh Khiêm" được hiểu là "giữ trọn tính khiêm nhường".
Quê ông ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Thân phụ của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng không hanh thông trong đường khoa cử. Mẹ của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.
Bà là người phụ nữ có bản lĩnh khác thường, học rộng biết nhiều lại giỏi tướng số, nên muốn chọn một người chồng tài giỏi để sinh ra người con có thể làm nên đế nghiệp sau này, nhưng kén chọn mãi đến khi luống tuổi bà nghe lời cha mới lấy ông Nguyễn Văn Định, là người có tướng sinh quý tử.
Đến tuổi trưởng thành, nghe danh tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, một đại thần từng giữ chức Thượng thư dưới triều Lê sơ nhưng đã cáo quan về quê sống đời dạy họ ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cất công vào tận xứ Thanh để tầm sư học đạo.
Vốn sáng dạ, lại chăm chỉ nên chẳng bao lâu ông đã trở thành học trò xuất sắc nhất của người thầy họ Lương. Bởi vậy mà trước khi qua đời, Lương Đắc Bằng đã trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học (Chu Dịch) là "Thái Ất thần kinh", đồng thời ủy thác người con trai Lương Hữu Khánh của mình cho ông dạy dỗ.
Giỏi nhưng không làm quan
Mặc dù được đào tạo bài bản về Hán học, song gặp thời đại loạn (giai đoạn triều Lê sơ rơi vào khủng hoảng, suy tàn, rồi triều Mạc thay thế vào năm 1527), nên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không mấy hào hứng với khoa cử. Ông bỏ qua tới 9 kỳ đại khoa (trong đó có 6 khoa thi dưới triều Lê sơ và 2 khoa thi đầu tiên dưới triều Mạc). Tới năm 1534, đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) được xem là thịnh trị nhất triều Mạc, ông mới quyết định đi thi Hương và đỗ đầu, sau đó ông đỗ đầu hai kỳ thi Hội, thi Đình năm 1535, đoạt danh hiệu Trạng nguyên khi đã 45 tuổi.
Ngay sau khi đỗ đạt, ông được bổ nhiệm làm Đông Các hiệu thư (chuyên việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư của triều đình) rồi sau được cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Nhưng rồi Mạc Thái Tông qua đời (1540), Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) lên thay, triều chính bị bọn bất tài, cơ hội lũng đoạn. Năm 1542, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ trị tội 18 lộng thần (trong đó có cả con rể của ông là Phạm Dao làm Trấn thủ Sơn Nam) nhưng không được vua chấp thuận, ông bỏ quan về quê dậy học, làm thơ, viết sách.
Tới năm Giáp Thìn (1544), vua Mạc lại cho người về phong tước Trình Tuyền Hầu cho ông, rồi sau lại thăng ông lên chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Có lẽ do vậy mà dân gian quen gọi ông là "Trạng Trình". Gần hai chục năm (từ năm 53 tuổi tới 73 tuổi), Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không ở hẳn kinh đô nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc theo xa giá nhà vua đi dẹp loạn, vua Mạc tôn kính ông như bậc quân sư. Những việc trọng đại nhà vua thường sai sứ giả về hỏi (trong đó có lời khuyên nổi tiếng đã đi vào sử sách: "Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế"), có khi lại đón ông lên kinh để bàn việc, xong rồi ông lại trở về quê, làng Trung Am.
Nhà tiên tri kỳ lạ
Tại quê nhà, ông đã cho dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là "Bạch Vân cư sĩ", lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học cạnh sông Tuyết (còn có tên là sông Hàn). Do vậy "Tuyết Giang phu tử" chính là danh hiệu mà các môn sinh sau này dành cho ông. Học trò của ông có nhiều người hiển đạt như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Hàn Giang cư sĩ Nguyễn Văn Chính (con trai cả của ông)... Người ta cho rằng Nguyễn Dữ (tác giả của Truyền kỳ mạn lục) cũng từng là học trò của ông.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tạ thế tại quê nhà vào ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585), ở tuổi 95, đây là tuổi thọ hiếm có vào thời ấy. Trước khi qua đời, ông còn dâng sớ lên vua Mạc: "... Thần tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đến hồi tái tạo, ý trời đã định, sức người khó theo. Song nhân giả có thể hồi thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tiên, thì thần chết cũng được thỏa lòng".
Để tỏ sự trọng thị, vua Mạc Mậu Hợp cử Phụ chính đại thần Ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng văn võ bá quan về dự lễ tang. Triều đình lại sai cấp ruộng tự điền trăm mẫu, đồng thời cấp ba nghìn quan tiền để lập đền thờ ông tại quê nhà, đích thân vua đề chữ lên biển gắn trước đền thờ là "Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ".
Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, cả về văn thơ và bia ký. Đặc biệt, trong dân gian còn lưu hành nhiều câu sấm Trạng cũng như các tập sấm kí mang tên "Sấm Trạng Trình", phần lớn viết theo thể lục bát.
Người đầu tiên sử dụng danh xưng "Việt Nam"?
Khi đặt vấn đề đi tìm nguồn gốc hai chữ Việt Nam, nhiều học giả ở nước ta hiện nay cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể là người đầu tiên sử dụng danh xưng Việt Nam một cách có ý thức nhất để gọi tên của đất nước. Theo họ, trong các tác phẩm của mình có ít nhất bốn lần danh xưng Việt Nam đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng. Hiện Viện Nghiên cứu Hán-Nôm còn lưu giữ nhiều tài liệu cổ (chép tay) về Nguyễn Bỉnh Khiêm có sử dụng danh xưng Việt Nam như một quốc hiệu tiền định. Ngay trong phần đầu của tập "Sấm ký" có tựa đề "Trình tiên sinh quốc ngữ", tên gọi Việt Nam đã được nhắc đến: "Việt Nam khởi tổ xây nền…".
Danh xưng Việt Nam còn được sử dụng một lần nữa trong bài thơ chữ Hán của ông có tựa đề "Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh" (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam). Ngoài ra, tên gọi Việt Nam còn có trong hai bài thơ chữ Hán được chép trong "Bạch Vân am thi tập" của Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi hai người bạn thân.
Bài thứ nhất gửi Trạng nguyên, Thư Quốc công Nguyễn Thiến, hai câu cuối ông viết: "Tiền trình vĩ đại quân tu ký/ Thùy thị phương danh trọng Việt Nam" (Tiền đề rộng lớn ông nên ghi nhớ/ Ai sẽ là kẻ có tiếng thơm được coi trọng ở Việt Nam?). Bài thứ hai gửi Trạng nguyên, Tô Khê hầu Giáp Hải, hai câu cuối ông cũng viết: "Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại/ Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam" (Cùng ngửa trông ngôi sao sáng trên bầu trời, Trước sau soi ánh sáng rực rỡ vào nước Việt Nam).
Theo Pháp luật Việt Nam